Sẽ còn nhiều khó khăn

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các nguồn vốn đầu tư và nguồn cung mới sản phẩm giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay, các chuyên gia nhận định thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn.

Ông Trần Quốc Việt - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) 
Để tháo gỡ, Nhà nước cần sớm khắc phục vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý và DN cần tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm, nâng cao trách nhiệm với khách hàng. 
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Việt - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Năm 2018 chứng kiến nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào thị trường BĐS nhưng từ đầu năm 2019 đến nay lại sụt giảm về mọi mặt, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Năm 2018, thị trường BĐS đã ghi nhận mức vốn đầu tư kỷ lục với khoảng 6,6 tỷ USD. Các DN trong nước tham gia vào thị trường với số vốn đăng ký cũng lên tới hàng tỷ USD, giúp cho thị trường phát triển sôi động, giá BĐS ở nhiều địa bàn tăng kỷ lục. Nhưng bước sang năm 2019, nguồn vốn đầu tư đã giảm mạnh, khiến cho nguồn cung giảm theo, giá bán thì tăng đều đặn theo từng quý.
Tuy không thể bỏ qua vấn đề liên quan đến siết chặt thủ tục pháp lý và giảm tín dụng cho vay trung, dài hạn, song việc tăng lãi suất, hệ số rủi ro khi cho vay mua BĐS tại các ngân hàng cũng ít nhiều ảnh hưởng sức mua của người dân.
Mặc dù vậy, sau khi đón nhận nguồn vốn khổng lồ đổ vào thị trường năm 2018, những lo ngại về “bong bóng” BĐS làm cho thị trường đóng băng như trong giai đoạn 2009 – 2013 lại ùa về, khiến Chính phủ không thể không can thiệp. Do đó, dù thị trường đã giảm sút nhiều trong năm nay nhưng không bị khủng hoảng như giai đoạn trước.
Doanh nghiệp cần phải làm gì để khắc phục những khó khăn, thưa ông?
- Thời gian gần đây, khi những dự án BĐS nở rộ, thị trường cũng chứng kiến những tranh chấp, khiếu kiện của khách hàng đối với chủ đầu tư các dự án ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng, nhiều DN khi được cấp chứng nhận đầu tư đã thực hiện phân lô – bán nền để thu lợi nhuận nhanh, không mang lại giá trị bền vững cho thị trường. Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước không thể kiểm soát hết được những mâu thuẫn này do hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở.
Các chuyên gia đã nói rất nhiều về việc thanh lọc DN trong thời điểm này, theo tôi đúng là như vậy. Ở thời điểm này, những DN đủ tiềm lực tài chính và uy tín sẽ tiếp tục phát triển, ngược lại sẽ bị phá sản.
Để khắc phục những khó khăn, trước hết DN cần phải tập trung đầu tư vào chất lượng của sản phẩm, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghĩa vụ của mình, đặc biệt là chính sách sau bán hàng, tránh để xảy ra tranh chấp làm ảnh hưởng đến uy tín. Khi nhận được sự tin tưởng của khách hàng, chắc chắn DN sẽ tồn tại và phát triển.
Nhận định của ông về thị trường trong thời gian tới như thế nào?
- Từ nay đến hết năm 2019 và ít nhất là nửa đầu năm 2020 thị trường sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi những vấn đề về pháp lý, tín dụng và an toàn dòng vốn... Hiện nay, Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ, ngành liên quan gấp rút hoàn thiện hàng lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS.
Hàng loạt luật liên quan đến BĐS như: Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai... đều có sự sửa đổi, trong đó có nhiều quy định liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá, đấu thầu đất đai... Hành lang pháp lý đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phát triển của DN.

Xin cảm ơn ông!