Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã khép lại sau 2 môn thi Ngoại ngữ và Sinh học sáng 4/6. Dù lãnh đạo ngành GD&ĐT cho rằng đổi mới cách thi, cách ra đề sẽ phản ánh được chất lượng dạy và học, song rõ ràng công tác tổ chức thi lại phức tạp hơn. Đây cũng là câu hỏi dành cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi chiều 4/6.
Đánh giá năng lực học sinh
Đề thi tốt nghiệp THPT không nằm ngoài dự kiến của đa số giáo viên và thí sinh (TS). Chủ đề biển đảo trong đề thi Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý đã tạo không khí phấn khởi cho TS, cũng như dư luận xã hội về tính thời sự được cập nhật trong đề bài. Điển hình như đề thi môn Địa lý không quá chú trọng lý thuyết, học thuộc lòng. Không chỉ 2 câu có nội dung về biển đảo, cần nhiều hiểu biết ngoài sách giáo khoa mà các câu hỏi khác cũng yêu cầu TS có tư duy phân tích. Không ít người nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay tiếp tục "bài ca" đề dễ, bởi đa số TS chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm khá trở lên.
Các thí sinh trao đổi sau môn thi cuối tại điểm thi trường THPT Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã thực hiện đổi mới đề thi theo hướng đánh giá năng lực của TS, tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi "mở" yêu cầu TS sử dụng các kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội. Đề thi được đánh giá có tác động tích cực đến quá trình dạy học, từng bước khắc phục tình trạng học tủ, mang tài liệu vào phòng thi, góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.
"Đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp trên cả nước đã được tổ chức đúng quy chế, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công tác chuẩn bị được Bộ GD&ĐT và các địa phương triển khai chu đáo. Những đổi mới về đề thi đã phát huy tính chủ động, tư duy sáng tạo của TS. Đề thi các môn có tính thời sự gắn với các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, có ảnh hưởng tốt trong xã hội" - ông Trinh khẳng định. Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, các vi phạm quy chế thi được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
Năm sau sẽ tiếp tục thi tự chọn
Những đổi mới của kỳ thi năm nay với mục tiêu giảm áp lực, tạo thuận lợi cho TS đã nhận được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, dư luận lại băn khoăn khi công tác tổ chức thi phức tạp hơn: TS chỉ thi 4 môn, nhưng tổ chức thi 8 môn; Có Hội đồng thi (HĐT) gần 20 người chỉ phục vụ 1 TS dự thi trong khi có HĐT yêu cầu giám thị ca 1 ở lại đến hết ca 2; Thời gian làm thi trong ngày cũng kéo dài... Có ý kiến cho rằng, cách thức này gây áp lực không cần thiết, trong khi mục đích kỳ thi chỉ là kiểm tra chất lượng TS. Do vậy, cần có sự điều chỉnh và cân nhắc xem sang năm có tiếp tục thực hiện hay không?
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho hay: Năm đầu thi theo hình thức tự chọn, có những HĐT ít TS, điều này đã được các sở GD&ĐT phản ánh trong quá trình chuẩn bị thi. Ban Chỉ đạo thi T.Ư đã có hướng dẫn tới các sở: Nếu TS đồng ý có thể gửi sang HĐT bên cạnh, nếu không vẫn tổ chức thi bình thường. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là bảo đảm quy chế, không gây khó khăn cho TS. Đã có địa phương điều chỉnh buổi thi chiều 3/6 (môn Lịch sử), tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương áp dụng máy móc, chưa linh hoạt. Việc yêu cầu giám thị ca 1 ở lại là máy móc, có xảy ra ở một số HĐT. "Qua kỳ thi này, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hình thức thi tự chọn và sẽ điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý cho phù hợp để áp dụng trong kỳ thi tiếp theo" - ông Trinh khẳng định. Ngoài ra, cách thức ra đề thi mở, đặc biệt ở môn Ngữ văn, cũng là một băn khoăn ở kỳ thi này. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển lý giải: Đề thi môn Văn yêu cầu kiến thức cơ bản nhưng vẫn có những phần dành cho TS có học lực tốt hơn được thể hiện khả năng. Nếu chất lượng câu hỏi không có tác dụng phân hoá thì đó không phải là đề thi tốt. "Đề thi "mở" TS có thể làm theo những cách khác nhau, nhưng có cách trình bày ý tưởng tốt, thể hiện được tư duy, không trái với thuần phong mỹ tục vẫn được tính điểm.
"Bộ không đặt mục tiêu đỗ bao nhiêu phần trăm, đánh trượt bao nhiêu em, mà thi để kiểm tra chất lượng của TS, từ đó tác động ngược lại đến quá trình dạy học." - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Vinh Hiển |