Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong năm 2020

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong số những mục tiêu của chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” mà Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, Bộ TT&TT đặt ra.

Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết sẽ tiến hành phối hợp, đồng hành cùng các DN trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng tổ chức chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam.
 Sẽ giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong năm 2020. Ảnh minh họa
Đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, DN; cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, các phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc và giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, không còn nằm trong báo cáo của các hãng về tiỷ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định. Thời gian dự kiến kéo dài trong 2 tháng.
Chiến dịch thực hiện bởi Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đồng hành cùng các DN trong và ngoài nước (VNPT, Viettel, CMC, FPT, BKAV, Kaspersky...).
Chiến dịch triển khai trên toàn không gian mạng Việt Nam, được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến Trung ương.
Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, tập đoàn và hãng bảo mật lớn trên thế giới như: Kaspersky, Group-IB, FireEye, F-Secure, ESET để lan tỏa hiệu quả cũng như lợi ích đến người dùng internet Việt Nam.
Theo số liệu thực tế, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong Danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet lớn.
Chiến dịch chủ yếu phục vụ khối doanh nghiệp tư nhân và hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình: Nhóm đối tượng này chiếm phần lớn số lượng địa chỉ IP trên. Tuy nhiên, chiến dịch sẽ được triển khai trên toàn bộ không gian mạng và người dùng internet Việt Nam.
Sau chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”, NCSC sẽ đánh giá kết quả và dự kiến thực hiện những kế hoạch tiếp theo.