Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ giảm số môn học bắt buộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa là đòi hỏi cấp thiết trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 (diễn ra từ 10 - 12/12), các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chú trọng phát triển năng lực học sinh

GS Đinh Quang Báo, thành viên Ban soạn thảo Đề án Cải tiến nội dung chương trình, sách giáo khoa cho biết: Chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) là cơ sở để thiết kế chương trình GDPT cho giai đoạn sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực người học. Chuẩn GDPT cần được xem xét trên 3 phương diện: Phẩm chất; kỹ năng học tập phổ quát; kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập.

Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Đạt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Khi xây dựng chương trình GDPT, cần xây dựng chuẩn cho từng môn học, từng lĩnh vực, từng nhóm môn học. Do vậy, xây dựng chuẩn GDPT góp phần xác định những lĩnh vực học tập cốt lõi.

Sẽ giảm số môn học bắt buộc - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hệ thống các môn học và hoạt động trong GDPT sau năm 2015 thể hiện quan điểm GD toàn diện, cân đối giữa "dạy chữ", "dạy người", định hướng nghề nghiệp... Chương trình được "dựng" trên cơ sở học vấn phổ thông cơ bản, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực cá nhân của học sinh.

Tích hợp hay không?

Trong nội dung cải tiến chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, vấn đề là có nên tăng cường các môn học tích hợp hay không? GS Đinh Quang Báo phân tích: Giáo dục tích hợp trong chương trình này không đơn giản là phương pháp dạy học, mà hình thành ở học sinh nội dung tri thức tích hợp, năng lực tích hợp khi nhận thức, giải quyết một vấn đề khoa học hay thực tiễn. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Minh Đức (ĐH Sư phạm Hà Nội) lại không đồng quan điểm với ý tưởng này: "Tôi có rất nhiều đồng nghiệp dạy phổ thông ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, họ chỉ mong được ra khỏi tích hợp. Vì áp dụng mô hình này, cả giáo viên và học sinh đều rất mệt mỏi... Các bạn nước ngoài hỏi tôi là nước bạn đã tích hợp chưa? Tôi trả lời "chưa" thì nhận được ngay câu nói: "Chưa tích hợp nghĩa là còn hạnh phúc, nếu tích hợp sẽ rất "đau khổ".

Bên cạnh đó, sau năm 2015, hệ thống chương trình GDPT sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn; giảm số môn học ở từng cấp học, tăng cường các hoạt động GD. Như cấp Tiểu học hiện có 11 môn học và 3 hoạt động GD, sau năm 2015 sẽ có 5 môn học và 4 hoạt động GD. Cấp THCS hiện có 13 môn học và 4 hoạt động GD, sau năm 2015 sẽ có 10 môn học và 3 hoạt động GD; lớp 10 của cấp THPT hiện có 13 môn học và 5 hoạt động GD, sau năm 2015 sẽ có 11 môn học với 2 hoặc 3 chủ đề tự chọn và 3 hoạt động GD… Tuy nhiên, những người làm đề án cải tiến chương trình khẳng định, giảm không phải là giảm tải, cắt giảm chương trình đơn thuần mà giảm để tích hợp tốt hơn. Từ đó, học sinh thu nạp được lượng kiến thức rộng hơn, sâu hơn.

Bên lề hội thảo, cũng có nhiều ý kiến trái chiều đối với chương trình học 12 năm. Có ý kiến cho rằng, nên cắt bớt thời gian học xuống dưới 12 năm, vì học sinh ngày nay được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau, nên thời gian GDPT không cần quá dài. Nhưng lại có đại biểu cho rằng, thời gian 12 năm là phù hợp, vì GDPT không những là bước đệm cho học sinh bước ra cuộc sống, mà còn là giai đoạn giúp học sinh trải nghiệm cuộc sống.