Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ không để tỷ giá tác động ngược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ ngày 19/6, theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD đã tăng từ mức 21.036 đồng/USD lên 21.246 đồng/USD, tức tăng thêm 1%.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là cần thiết, đúng với yêu cầu và đòi hỏi của thị trường, tạo ra sự cân bằng cho cung và cầu. Ngoài ra, điều chỉnh tỷ giá lần này cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động trong việc can thiệp tỷ giá và điều này đã nằm trong lộ trình.

“Với tư cách một người nghiên cứu, ngay từ đầu năm, quan điểm của tôi là tỷ giá điều chỉnh biên độ khoảng 2% là phù hợp với mọi quan hệ kinh tế. Tôi nghĩ rằng vẫn còn dư địa để làm việc này. Còn Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh hay không thì còn phục thuộc nhiều vào biến động của thị trường,” ông Lịch phân tích.

HSBC cũng nhanh chóng đưa ra một báo cáo mới trong ngày 19/6 nhận định về động thái mới của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá. Báo cáo phân tích, mặc dù dự trữ ngoại hối đã tăng lên nhưng Ngân hàng Nhà nước rõ ràng không mặn mà với việc sử dụng lượng dự trữ này quá sớm, với thực tế đó, Ngân hàng cho phép tỷ giá điều chỉnh mà không bị cản trở nào về mặt chính sách.

Theo các chuyên gia của HSBC, VND điều chỉnh mới một nửa của mức 2% mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra, do đó vẫn có khả năng sẽ có mức điều chỉnh thêm 1% vào cuối năm, nếu các nhà lập chính sách thực sự thấy cần thiết, mặc dù quan điểm của HSBC là đồng VND sẽ tương đối ổn định trong vài tháng tới.

Đồng quan điểm với nhận định của chuyên gia HSBC, chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam hiện đang thặng dư tới hơn 10 tỷ USD, như vậy, chúng ta có thể can thiệp để điều hành tỷ giá theo ý muốn chủ quan của mình.

Tuy nhiên, ông Ngân cũng khuyến cáo, không nên để việc điều chỉnh tỷ giá này tác động ngược lại đến giá cả hàng hóa trong nước, tác động đến giá cả của mặt hàng nhập khẩu. Từ đó, gây đến bất ổn về giá cả.

Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương phải giám sát để vừa đạt mục tiêu của việc điều chỉnh tỷ giá là hỗ trợ xuất khẩu, đảm bảo được cân đối ngoại tệ, cân đối được cán cân thanh toán trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp vào thị trường, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nguồn cung ngoại tệ để có thể cung cấp theo yêu cầu chính đáng của người dân cũng như các tổ chức kinh tế. Không nên để hiện tượng có người mua mà không có người bán, gây nên hiện tượng găm hàng, đầu cơ ngoại tệ và ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa khác.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, để người dân và doanh nghiệp không còn kỳ vọng vào việc tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước cần phải thực thi nghiêm túc Pháp lệnh quản lý ngoại hối; phải kiểm tra và không để tồn tại hiện tượng mua bán đầu cơ ngoại tệ trái pháp luật.

Đề cập tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa “nới” trần tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho hay: Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến vĩ mô, hoạt động của ngân hàng để có phản ứng linh hoạt. Ngành ngân hàng cũng sẽ kết hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, kể cả nội và ngoại tệ làm sao đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, ổn định nền kinh tế trong nước.

“Sau đợt điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp các biện pháp cần thiết để đảm bảo thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định,” bà Hồng khẳng định.