Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ làm chặt hơn việc phát hành trái phiếu DN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với quy định "DN không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của ba năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến trả cho trái phiếu định phát hành…".

KTĐT - Với quy định "DN không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của ba năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến trả cho trái phiếu định phát hành…".

Với nhiều lợi thế như không phải tuân thủ các điều kiện vay vốn khắt khe của ngân hàng, không chịu sức ép chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản trả lãi trái phiếu…, nên việc phát hành trái phiếu đang được nhiều DN lựa chọn như là một kênh huy động vốn hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động này có thể sẽ vấp phải một số trở ngại, bởi dự thảo sửa đổi Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến hoàn thiện, đưa ra nhiều quy định khá chặt.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN, không phải là phát hành trái phiếu cho công chúng và chỉ áp dụng với các công ty không phải là công ty đại chúng, cụ thể là công ty cổ phần có dưới 100 cổ đông và các công ty TNHH. Với đặc thù như vậy thì việc dự thảo đưa ra nhiều quy định quá chặt chẽ là không cần thiết. Đối với loại hình DN này, nhất là công ty chỉ có một vài thành viên, thì mức độ ảnh hưởng đến NĐT và đến thị trường không lớn, nên cần đặt ra các yêu cầu vừa phải, dễ thực hiện khi DN phát hành trái phiếu, để bảo đảm tính khả thi cao.

Ông Đức dẫn chứng, một quy định quá chặt trong dự thảo Nghị định là yêu cầu các DN phát hành trái phiếu phải báo cáo Bộ Tài chính tới 3 lần, gồm: báo cáo về toàn bộ hồ sơ trước khi phát hành trái phiếu, báo cáo sau khi kết thúc mỗi đợt phát hành và báo cáo sau khi thanh toán toàn bộ gốc, lãi trái phiếu. Theo ông, chỉ nên đặt ra chế độ báo cáo này đối với các công ty 100% vốn nhà nước và các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng. Còn đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì không cần thiết phải báo cáo cơ quan quản lý, nếu có thì chỉ nên yêu cầu báo cáo một lần sau khi phát hành hoặc vào cuối năm.

Với quy định "DN không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của ba năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến trả cho trái phiếu định phát hành…" trong Dự thảo, theo các chuyên gia, không những "vênh" với quy định về điều kiện phát hành trái phiếu trong Luật Doanh nghiệp, mà còn gây khó cho DN trong quá trình phát hành trái phiếu. Lý do là bởi DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, khi cần vốn họ mới phát hành, nên với quy định "cứng" như Dự thảo sẽ cản trở DN tìm kiếm nguồn vốn qua kênh này.

Một nội dung khác cũng tác động không tích cực đến hoạt động phát hành trái phiếu của DN trong Dự thảo là: "Chủ sở hữu trái phiếu được tự do chuyển nhượng, cho, tặng, để lại thừa kế hoặc sử dụng để chiết khấu, cầm cố trong các quan hệ tín dụng theo quy định hiện hành của pháp luật". Việc giới hạn chủ sở hữu trái phiếu chỉ được "cầm cố trong các quan hệ tín dụng" được cho là không đầy đủ, làm hạn chế quyền của chủ sở hữu trong việc cầm cố trái phiếu, để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự, kinh tế khác ngoài quan hệ tín dụng. Đó là chưa kể, nội dung này còn mâu thuẫn với quy định tại khoản 2, Điều 9 của Dự thảo về "Quyền lợi của người mua trái phiếu" là được dùng trái phiếu để cầm cố trong các quan hệ dân sự.

Để tạo thuận lợi hơn cho DN phát hành trái phiếu, TS Lê Thị Thu Thủy, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, nên mở rộng quyền của NĐT trái phiếu. Cụ thể, chủ sở hữu trái phiếu cần được ưu tiên sử dụng các dịch vụ của DN phát hành, quyền mua bất động sản hoặc các quyền khác tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh của DN.

Quy định "trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm" trong Dự thảo là nhằm bảo đảm quản lý việc vay nước ngoài, nhưng là điều rất khó xác định, vượt khỏi tầm kiểm soát đối với DN, có thể khiến DN gặp khó khăn trong triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu.

Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, quy định này sẽ tạo ra sự thiếu công bằng, bởi DN không thể biết khi nào thì vượt tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia. Hệ quả là DN này có thể được phát hành rất nhiều trái phiếu, nhưng DN khác có khả năng lại không được phép phát hành, trong khi việc này hoàn toàn không phụ thuộc vào nhu cầu, khả năng của DN.