Thoát nghèo nhờ vay vốn
Đầu năm 2016, gia đình chị Tô Thị Son, dân tộc Tày (phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) được Tổ tiết kiệm và vay vốn khối 9 bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với khoản tích cóp của gia đình và vay mượn họ hàng, chị Son mua 4 con bò, 2 con lợn nái, gà, chó cảnh. Vợ chồng chị còn trồng các loại quả như mướp ngọt, ngô, bí đỏ để bán. Chị Son vừa làm vừa học hỏi qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn nên từ hộ gia đình khó khăn nay đã vươn lên khá, thu nhập gần 140 triệu đồng mỗi năm.
Giai đoạn 2016 - 2018 đã có hơn 11.000 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài từ Quỹ quốc gia về việc làm |
Trả hết nợ, gia đình chị Son còn sửa sang nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, tham gia các phong trào địa phương… Chị Son chỉ là một trong nhiều mô hình người lao động (NLĐ), cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng có hiệu quả vay vốn được giới thiệu tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2018, do Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức ngày 11/10.
Đánh giá về kết quả thực hiện hoạt động này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Đến nay, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.497 tỉ đồng, doanh số cho vay hằng năm khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 303.614 lao động. Nếu tính cả nguồn vốn ủy thác từ địa phương, doanh số cho vay giai đoạn 2016 – 2018, tính đến ngày 30/9/2018 đạt 15.447 tỷ đồng. Đã có trên 487.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc là cho 546.000 lao động; hỗ trợ 11.133 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH thông tin thêm, bình quân mỗi năm chúng ta giải quyết được trên 100.000 lao động thông qua tự tạo việc làm hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh…. Rất nhiều người, nhiều gia đình được hỗ trợ từ nguồn vốn này đã thoát nghèo, có mức số trung bình ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Nâng lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng
Trong giai đoạn tới, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho NLĐ sau khi học nghề có công việc, sinh viên ra trường khởi nghiệp. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân có việc làm, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế và chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đang bộc lộ những hạn chế. Nguồn vốn cho vay mới chỉ đáp ứng được 30 – 35% nhu cầu vốn tạo việc làm. Nhận thức của một số người, đơn vị về nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm chưa đúng... Vì thế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý đặt ra vấn đề đề xuất Quốc hội quan tâm thêm để khơi thông nguồn vốn. Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn. “Để tạo ra lượng vốn hùng hậu, chúng ta phải đa nguồn. Chúng tôi đang tham mưu cho các địa phương khi dùng nguồn vốn ngân sách chuyển sang, trong đó 80% tập trung cho các chương trình giải quyết việc làm. Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân khác có những đầu tư hợp lý trong các chương trình để có thêm nguồn vốn cho giải quyết việc làm” - ông Lý thông tin.
Hiện nay, đối tượng cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm không quá khó khăn so với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Vì thế, việc ưu tiên cho đối tượng này được vay với lãi suất thấp như hộ nghèo là chưa hợp lý… Vì thế, tới đây Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ nâng lãi suất để tăng thêm nguồn vốn cho vay và kích thích các tổ chức, đơn vị đầu tư thêm vốn cho chương trình này. Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng, cách thức cho vay cũng phải thay đổi. Chẳng hạn như cho DN vay vốn đó để mở rộng sản xuất kinh doanh duy trì việc làm; cho NLĐ vay vốn để tự giải quyết việc làm cho mình. Có thể tới đây, nguồn vốn cho vay sẽ dùng để góp vào HTX, sản xuất theo chuỗi. Trong khi đó, ông Lê Quang Trung lại có quan điểm, nguồn vốn ít thì tập trung vào những nhóm đối tượng cần quan tâm, ví dụ như nhóm người bị lấy đất ruộng làm các công trình, người mãn hạn tù để tạo ra việc làm ổn định và tránh được các vấn đề xã hội nảy sinh. Các địa phương khi thực hiện chương trình này cần nghiên cứu hỗ trợ theo 5 nội dung: định hướng về sản xuất kinh doanh, kỹ thuật, vốn, thị trường đầu ra sản phẩm sản và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.