Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ thí điểm cho tự quyết học phí ở 4 trường đại học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 diễn ra sáng nay 27/12, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho biết sẽ cắt giảm nhiều kinh phí chi cho các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó sẽ cho một số trường tự quyết mức thu học phí để cân đối thu chi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: do kinh tế khó khăn nên năm 2014, dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho Bộ GD-ĐT giảm so với năm 2013. Vì thế kinh phí cấp cho các trường sẽ giảm.Các trường phải hạn chế triệt để kinh phí dành cho hội thảo, hội nghị, công tác phí nhất là đi nước ngoài.
Cuối năm, Bộ sẽ tập trung kiểm tra nguồn kinh phí chi cho các hoạt động này. Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh, dù khó khăn về kinh phí nhưng các trường vẫn phải đảm bảo quỹ lương cho cán bộ công nhân viên để có mức sống tối thiểu. Dứt khoát không được để giảng viên phải thiếu lương.

Nhiều trường vẫn lạm thu học phí

Thứ trưởng Ga cũng cho biết, Bộ sẽ ưu tiên kinh phí cho việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện và cho các trường sư phạm.

Bộ GD-ĐT đã có đề án trình Chính phủ giao quyền tự chủ về tài chính giai đoạn 2014-2017 cho 4 đơn vị là trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội và ĐH Kinh tế TP.HCM. Nếu đề án được phê duyệt trong tháng 2.2014 thì các trường này sẽ được tự quyết mức thu học phí ngoài khung quy định hiện hành để bù vào khoản chi phí bị cắt giảm.

Tại báo cáo, Bộ GD-ĐT cho biết năm 2013, một số trường vẫn còn lạm thu học phí, lệ phí. Một số trường đã thu nhiều khoản không có trong quy định của nhà nước như: lệ phí thi lại, lệ phí xử lý hồ sơ sau đại học, lệ phí nhập học, lệ phí làm bằng tốt nghiệp, tiền vệ sinh, tiền an ninh, phí bảo vệ luận văn, tiền bế giảng, tiền bảo lưu kết quả học tập… Bộ GD-ĐT đề nghị các đơn vị phải thực hiện đúng quy định hiện hành.

Giảm chỉ tiêu đại học, cao đẳng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2014 các trường vẫn tự xác định chỉ tiêu theo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ GD-ĐT không quyết định việc tăng hay giảm chỉ tiêu ở các trường. Tuy nhiên tinh thần là chỉ tăng chỉ tiêu bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ tiêu ĐH, CĐ sẽ không tăng và cần tiếp tục giảm để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cần tiếp tục giảm mạnh hệ vừa học vừa làm. Bộ sẽ tiếp tục xiết chặt chỉ tiêu này và cương quyết không tăng để đảm bảo chất lượng là chính.

Cũng theo báo cáo của Bộ thì năm 2013 là năm đầu tiên chỉ tiêu hệ ĐH, CĐ chính quy bắt đầu giảm trong đó ĐH giảm 5,1%, CĐ giảm 6,3%. Chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ cũng giảm 7%. Chỉ có chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Đặc biệt, chỉ tiêu liên thông, văn bằng 2 trình độ ĐH giảm 11% và chỉ tiêu này ở trình độ CĐ giảm tới 63%.

Năm học 2013, chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH cũng đã giảm tới 40% và sẽ tiếp tục giảm nữa để dừng đào tạo vào năm 2017.
 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cơ cấu đào tạo các ngành nghề như sau: khối ngành khoa học, công nghệ chiếm gần 31%, khối ngành kinh tế chiếm gần 25%, khối ngành sư phạm chiếm 15,8%, khối ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn chiếm tỷ lệ 10,43%. Tỷ trọng đào tạo khối ngành y dược và nghệ thuật chiếm khá thấp, lần lượt là 2,3 và 1,46 %.