KTĐT - Mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đang được Chính phủ ủng hộ và khuyến khích áp dụng.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn những băn khoăn vì PPP chỉ mới chứng minh thành công ở một số nước phát triển, những nơi năng lực quản lý của cơ quan công quyền rất phát triển. Còn ở Việt Nam, bộ máy hành chính cồng kềnh cùng với khung khổ pháp lý còn chưa hoàn thiện thì liệu mô hình này có phát huy hiệu quả?
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết:
Theo hiểu biết của chúng tôi, ở những nước có trình độ phát triển như của Việt Nam, mô hình PPP vừa mới, vừa không mới. Không mới bởi ở Việt Nam, chúng ta đã có rồi, như dự án nhiệt điện Phú Mỹ 2, và một số dự án đang khởi nghiệm. Nhưng để huy động được nhiều nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân hơn nữa, theo một quy mô lớn hơn nữa, đặc biệt là thu hút được vốn từ đầu tư nước ngoài, thì cần phải có khung pháp lý hoàn thiện hơn.
Các nước bạn xung quanh cũng chưa đi xa hơn chúng ta bao nhiêu, trừ Singapore cũng chỉ mới từ hai năm trở lại đây. Khi bắt tay triển khai những dự án như thế này, họ cũng gặp khó khăn nhiều chứ không phải chỉ có thuận lợi. Còn Indonesia đi trước chúng ta 3-4 năm, nhưng cho đến nay, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít trắc trở.
Từ kinh nghiệm của quốc tế, chúng ta cũng đã bắt đầu hình dung ra con đường đi của mình như thế nào. Quan điểm của chúng tôi là làm thí điểm một số dự án trước, làm đúng chuẩn mực, để những dự án thí điểm ấy tạo tiếng vang, tạo được sự đồng thuận của các cơ quan công quyền trong nước, các định chế tài chính, khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài và cả xã hội. Từ thành công của các dự án thí điểm, họ sẽ thấy đây là một quy trình tốt có thể yên tâm tham gia.
Vậy ông có đồng tình với ý kiến cho rằng, PPP thực chất là san sẻ rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân?
Đấy là bản chất của PPP. Theo tôi, nói hợp tác công tư như hiện nay là chưa chuẩn. Mà phải gọi đúng là partnership, tức là quan hệ đối tác.
Giống như là một quan hệ hôn nhân. Trong quan hệ ấy là có trách nhiệm, có nghĩa vụ, có lợi ích ngang nhau. Vì thế phải nói PPP là quan hệ đối tác mới đúng. Chứ nếu ta dùng từ “hợp tác”, rồi dùng từ “Nhà nước hỗ trợ” là không đúng. Ở đây không có chuyện hỗ trợ.
Ví dụ, muốn làm ra một con đường, nếu để thuần túy tư nhân thì tư nhân không làm; để thuần túy Nhà nước thì Nhà nước không đủ tiền. Như vậy, ở đây ta “chơi” chung với nhau, Nếu dự án 100 tỷ đồng, Nhà nước bỏ ra 30 tỷ đồng, tư nhân thấy đầu tư hấp dẫn bỏ ra 70 tỷ đồng, thì đây là quan hệ đối tác, bình đẳng.
Theo tôi, các cơ quan truyền thông cần tham gia giải thích làm rõ để người dân không hiểu sai về hình thức này, để tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ của các cơ quan công quyền, của các tổ chức chính trị, xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, vướng mắc lớn nhất của quy trình PPP là sự thiếu công bằng trong cách nhìn nhận, đánh giá giữa nhà thầu tư nhân và nhà thầu nhà nước. Và vướng mắc này gỡ bỏ không dễ?
Không có gì khó cả. Trừ khi chúng ta làm không đúng bài bản, không đúng quy trình thì mới không chọn được nhà thầu chất lượng. Còn khi chúng ta đã đưa ra hành lang pháp lý công khai, minh bạch, rất cụ thể thì sẽ chọn được nhà đầu tư xứng đáng.
Nhà đầu tư dứt khoát phải đáp ứng đủ hai điều kiện: năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Đây là hai điều kiện bắt buộc phải có.
Trước đây, chúng ta đã từng đổi đất lấy hạ tầng, nhưng hình thức này không mang lại hiệu quả mong muốn. Nay giới thiệu PPP như là giải pháp cho phát triển cơ sở hạ tầng e rằng tính thuyết phục không cao?
Mô hình hợp tác công tư đã có ở các nước phương Tây từ chục năm nay. Như ở trên tôi đã nói, ở nước ta mô hình PPP vừa mới, vừa không mới. Những mô hình biến thái của nó là BT, BOT… đã từng triển khai thành công ở Việt Nam. Như vậy là ta đã có PPP chứ không phải không. Nhưng làm thế nào cho có bài bản, chuẩn mực, làm thế nào cho Nhà nước được lợi nhưng tư nhân không bị thiệt, đó là câu chuyện mà chúng ta phải làm và đang làm.
Vậy bao giờ sẽ có khung pháp lý hoàn chỉnh cho mô hình này, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, nếu chờ làm xong khung pháp lý cho mô hình này rồi mới đem ra triển khai thì sẽ rất là lâu và không khẳng định được thành công. Như tôi nói, Indonesia triển khai mô hình hợp tác công tư từ mấy năm mà nay triển khai trên quy mô rộng vẫn bị vướng.
Chúng tôi cho rằng, khung pháp lý dự thảo mà được thử nghiệm ở một vài dự án thí điểm, kiểm tra xem có hoạt động hiệu quả không, “cỗ máy” có chạy tốt không… lúc ấy mới ban hành chính sách chính thức. Cho nên không kỳ vọng là trong một vài tháng tới đây sẽ có được khung chính sách hoàn thiện.