Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sếp hài hước, nhân viên cống hiến hết mình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là một nhà quản lý, bạn cần làm gì để nhân viên luôn cảm thấy sảng khoái, sung sức và minh mẫn để có thể làm việc hiệu quả ngay cả khi công việc có lúc trở nên căng như sợi dây đàn?

KTĐT - Là một nhà quản lý, bạn cần làm gì để nhân viên luôn cảm thấy sảng khoái, sung sức và minh mẫn để có thể làm việc hiệu quả ngay cả khi công việc có lúc trở nên căng như sợi dây đàn?

Bạn có phải là một vị sếp vui tính? Bạn luôn mong muốn nhân viên làm việc nhiệt tình và cống hiến hết mình? Chỉ cần một chút hài hước, không khí làm việc sẽ đỡ căng thẳng và dễ chịu hơn rất nhiều.

Câu chuyện thứ nhất:

Phi hành đoàn của hãng hàng không WestJet đã “biến tấu” các thông báo nhàm chán thành những mẩu tin hóm hỉnh giúp hành khách cảm thấy tự tin và thoải mái trên các chuyến bay. Ví dụ, thay vì phát ra thông báo ngắn gọn về trường hợp “hạ cánh khẩn cấp” khiến cho hành khách hoang mang, họ chuyển thành “Đèn sàn nhà sẽ bật sáng trong trường hợp  chúng ta hạ cánh khẩn, kèm theo những âm thanh sống động của một bản disco hoành tráng.”

Giám đốc điều hành của WestJet tin rằng cả khách hàng và nhân viên của ông rất thích phong cách mới mẻ này. Chính bản thân ông luôn thể hiện sự hài hước để khuyến khích nhân viên phát huy sự vui vẻ trong khi làm việc và luôn yêu thích công việc hàng ngày của mình.

Và hiệu quả mà WestJet đã đạt được? Tất cả nhân viên WestJet đều yêu thích môi trường ở đây vì không khí làm việc luôn vui tươi, hứng khởi. Điều đó thể hiện qua dịch vụ khách hàng của WestJet ngày càng nâng cao. Khách hàng rất thích sự hài hước trên mỗi chuyến bay, và tiếp tục ủng hộ WestJet trong những lần bay sau.

Câu chuyện thứ 2:

Một nhóm nhân viên công tác xã hội đang công tác tại một vùng quê nghèo. Ngoài điều kiện vật chất thật khó khăn, hàng ngày mỗi người còn phải mang vác cả 50 ký lô hành lý, tổ chức lại cắt giảm chi phí cho công việc của họ, và chính sách thì không hề nhất quán và thay đổi liên tục.

Nhưng họ vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Sau buổi cà phê sáng, trưởng nhóm cùng hai thành viên khác đứng lên hỏi mọi người “Các cậu muốn nghe bài gì nào? Jazz nhé? Hay rock? Có ai thích nhạc đồng quê không?” Và sau đó, 3 người dùng mấy cái file hồ sơ giấy làm phong cầm, dụng cụ kim bấm giấy làm chũm chọe và cùng hát vang bài “Across the Universe” của John Lennon thật vui vẻ. Những người ngồi dưới cười ầm lên hưởng ứng.

Một thành viên trong nhóm tâm sự “Đó là cách chúng tôi cân bằng lại công việc. Chúng tôi đã quá mệt mỏi và căng thẳng, vì vậy đây là cách duy nhất giúp chúng tôi duy trì tinh thần lạc quan khi làm việc.”

Câu chuyện thứ 3:

Một công ty nọ thực hiện chính sách cắt giảm biên chế cho đến khi những người còn lại chịu không nổi sức ép phải “tự giác” ra đi. Trớ trêu thay, lãnh đạo công ty không quan tâm đến tinh thần làm việc của nhân viên trong cuộc “đấu tranh sinh tồn” này.

Ban giám đốc không hề lắng nghe ý kiến của nhân viên, và khi có ai đó lên tiếng, họ bị quy ngay cái tội “phản đồ”. Không hợp tác đồng đội, ai cũng chăm chăm lo cho lợi ích bản thân. Không khí làm việc nặng nề, buôn dưa lê khắp nơi, nhân viên sẵn sàng “đâm sau lưng chiến sỹ”.

Một nhân viên làm việc lâu năm ca thán: “Môi trường làm việc thật chẳng khác gì địa ngục, tôi chẳng dám giới thiệu công ty này cho bất kỳ ai, chỉ mong còn “sống sót” cho đến ngày về hưu non.”

Giống như nhóm nhân viên công tác xã hội trên, công ty này đang nằm trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề, họ không thể nào kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, thay vì chọn không khí hài hước, dí dỏm như đội công tác xã hội, ban lãnh đạo công ty quan niệm “Hài hước chỉ phí thời gian vô ích”, còn nhân viên công ty thì thổi ngay điệp khúc “chúng tôi quá bận để hé môi cười, vả lại cười thì thay đổi được gì đâu” khiến cho cái không khí vốn nặng nề lại càng nặng nề thêm.

Vì sao hài hước quan trọng?

Nhóm nhân viên công tác xã hội đã vui cười để lấy tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn. Vui cười chẳng thay đổi được điều kiện làm việc khắc nghiệt của họ nhưng tạo được không khí hứng khởi giúp họ đương đầu với thử thách.

Là một nhà quản lý, bạn cần làm gì để nhân viên luôn cảm thấy sảng khoái, sung sức và minh mẫn để có thể làm việc hiệu quả ngay cả khi công việc có lúc trở nên căng như sợi dây đàn?

Nhiều sự kiện đã chứng minh tác dụng tuyệt vời của sự hài hước. Theo Steve Lipman, người từng nghiên cứu sự dí dỏm trong suốt thời kỳ Hitler tàn sát người Do Thái. Để chóng chọi lại không khí ngột ngạt của trại tập trung Auschwitz, một nhóm tù nhân đã biểu diễn các vở hài kịch để mang lại tiếng cười cho toàn thể trại viên. Và đến khi những con người bất hạnh này sắp trút hơi thở cuối cùng, họ vẫn cảm thấy mình đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa vì vẫn giữ được nụ cười đến tận phút cuối cùng.

Dĩ nhiên sẽ không có một công ty nào khinh khủng như trại tập trung Auschwitz cả, nhưng chúng ta có thể học được gì về nhóm tù nhân này? Hãy dành một chút thời gian để chia sẻ sự hài hước cho nhau. Trong bất kỳ môi trường làm việc nào, hài hước luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tinh thần và “nhuệ khí” làm việc của nhân viên. Khi nhân viên bông đùa, họ không hề phí một giây quý báu nào trong công việc, họ chỉ đang “lên dây cót” cho chính bản thân mình. Rõ ràng hài hước không thay đổi được thực tế khắc nghiệt, nhưng có thể giúp ta vượt qua những giai đoạn khó khăn.