Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết chặt để nâng chất lượng thực phẩm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn một tháng thực hiện kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) theo Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, không ít vướng mắc đã nảy sinh khiến nhiều doanh nghiệp "dở khóc dở cười" .

Bất cập

Từ ngày 1/7/2012, việc kiểm tra TĂCN nhập khẩu theo Thông tư 66 bắt đầu được thực hiện. Sau hơn một tháng triển khai, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đã lên tiếng về những bất cập nảy sinh, trong đó nổi cộm là vấn đề thủ tục kiểm nghiệm. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình thắc mắc: "Có trường hợp một mẫu sản phẩm của công ty nhập về được đơn vị kiểm tra thông báo kết quả không đạt, nhưng khi chúng tôi yêu cầu xét nghiệm lần hai, lại cho kết quả khác. Vậy chúng tôi biết tin vào đâu và nếu Thanh tra ra quyết định phạt thì ai phải chịu?".

Cũng "đau đầu" vì thủ tục kiểm tra, ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dabaco cho biết, cùng một lô hàng TĂCN nhập về tại cảng Hải Phòng, Trung tâm Thú y vùng II đã tiến hành phân tích các tiêu chuẩn E.coli. Thế nhưng, Chi cục Thú y Hải Phòng lại yêu cầu phân tích tương tự. Việc kiểm tra một cách chồng chéo như vậy khiến cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và thời gian nhận hàng chậm trễ.

Siết chặt để nâng chất lượng thực phẩm - Ảnh 1
Kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thiên Tú

Bên cạnh đó, việc kiểm tra theo quy định mới đã làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp. Đơn cử, chi phí kiểm tra của Công ty Dabaco từ đầu tháng 7 tới nay đã lên tới 150 triệu đồng trong khi lượng hàng nhập về chỉ bằng 1/3 so với công suất thường xuyên. Ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng (KCN Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) cho biết, chi phí lấy mẫu kiểm tra cho mỗi lô hàng TĂCN tại nội thành Hà Nội là 3 triệu đồng, ngoại thành 5 triệu đồng, chưa kể tiền phân tích. Với mỗi doanh nghiệp nhập vài chục lô/tháng thì chi phí tăng thêm không nhỏ.

Quản chặt nhưng phải hài hòa lợi ích

Theo đánh giá, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi của nước ta hiện chỉ ở mức trung bình của khu vực. Tình trạng người chăn nuôi khiếu kiện về thua thiệt trong sản xuất và tổn thất do liên quan đến TĂCN vẫn còn nhiều. Trong hơn một tháng qua, Cục Chăn nuôi đã phát hiện 6 lô hàng TĂCN nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, mốc...

Rõ ràng, việc siết chặt quản lý TĂCN theo Thông tư 66 của Bộ NN&PTNT là rất cần thiết, không chỉ để phát triển bền vững ngành chăn nuôi mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý cần triển khai hợp lý dựa trên thực tiễn, hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi. Bà Trần Việt Hương, Giám đốc thu mua kinh doanh nguyên liệu thức ăn gia súc Công ty CP Việt Nam kiến nghị, Cục Chăn nuôi cần quy định cụ thể thời gian lấy mẫu kiểm tra các lô hàng để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động sản xuất, dự trữ hàng. Đồng thời, sớm ban hành quy chế kiểm tra TĂCN nhập khẩu, trong đó với những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, sau một thời gian dài theo dõi đạt yêu cầu, có thể giãn thời gian kiểm tra.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, muốn có thực phẩm sạch, tất cả các yếu tố tham gia trong chuỗi sản xuất phải sạch, trong đó TĂCN là khâu đầu tiên. Do đó, phải kiểm tra chặt chẽ mặt hàng TĂCN, từ nhóm "nguy hiểm" nhất như chất cấm cho tới  nguyên liệu đơn như lúa mỳ, ngô, khô dầu... Ông Dương cho biết, những bất cập nêu trên Cục sẽ có những điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Theo thống kê, hiện có khoảng gần 2 vạn sản phẩm nguyên liệu TĂCN đang lưu hành tại Việt Nam, trong đó sản xuất trong nước 13.000 sản phẩm, nhập khẩu trên 4.200 sản phẩm. Từ 1/7 đến nay, Cục Chăn nuôi trực tiếp quản lý 1.794 hồ sơ nhập khẩu TĂCN, tương đương 1,5 triệu tấn nguyên liệu, nhập từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.