Với những biện pháp mạnh được thực hiện trong thời gian tới, hy vọng những bất cập trong ngành sẽ đi vào nền nếp.
Khắc phục xu hướng“lá cải”
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội, vấn đề tăng cường quản lý internet để khắc phục "xu hướng lá cải" tiếp tục được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu lên. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí, trong đó có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp. Một trong những vấn đề nổi cộm của loại hình báo chí mới này là xu hướng chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí sai sự thật.
Biện pháp khắc phục mà Bộ đưa ra là đẩy mạnh quản lý Nhà nước về báo chí tăng cường phổ biến Quy chế phát ngôn và thông tin cho báo chí, khắc phục hiệu quả hiện tượng, tình trạng một số báo xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; chấn chỉnh việc thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, không phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân. Cũng liên quan tới vấn đề quản lý internet, Bộ TT&TT khẳng định Hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia VNIX tiếp tục được hoàn thiện và phát triển mở rộng. Hoạt động cấp phát, quản lý tên miền được duy trì tốt, số lượng tên miền phát triển tăng ổn định. Cơ quan này chủ trương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, sử dụng và giữ chỗ tên miền ".gov.vn" và tên miền có liên quan đến chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Năm 2013, cả nước có hơn 31 triệu người sử dụng internet; tổng số thuê bao internet băng rộng đạt hơn 5,17 triệu thuê bao; tổng băng thông kết nối internet trong nước đạt 613,8 Gb/s và tổng băng thông kết nối internet quốc tế đạt 549 Gb/s; hơn 263.000 tên miền .vn đã đăng ký và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia, đạt gần 950.000 tên miền…
Nhiều sai phạm từ các nhà mạng lớn
Theo Báo cáo Tổng kết công tác thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước do Thanh tra Bộ TT&TT vừa công bố, tính đến hết tháng 10/2013, tổng số thuê bao di động của cả nước là hơn 120 triệu thuê bao, trong đó có gần 114 triệu thuê bao trả trước, còn lại là các thuê bao trả sau. Suốt một thời gian dài, các nhà mạng vì muốn phát triển thuê bao đã liên tục triển khai các chương trình khuyến mại, miễn phí nhắn gọi nội mạng, hạ giá cước, tìm mọi cách để gia tăng lượng thuê bao, thậm chí không cần bất kỳ một giấy tùy thân nào vẫn có thể sở hữu sim di động trả trước hoặc không thuộc đối tượng được ưu đãi nhưng vẫn có được sim học sinh, sinh viên, quốc phòng. Sự "dễ dãi" của nhà mạng đã bị các cá nhân lợi dụng để gọi điện/nhắn tin đe dọa, quấy rối, lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, phát tán tin nhắn rác…
Hiện, số thuê bao di động trả trước của Vinaphone là khoảng 26 triệu thuê bao (tính đến quý I/2013). Trong khi tính đến hết tháng 6/2013, Mobifone có khoảng 49,1 triệu thuê bao, Viettel có khoảng 57,5 triệu thuê bao… Rất nhiều thuê bao trong số này không đăng ký thông tin với nhà mạng, cơ sở dữ liệu về khách hàng (Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, ảnh…) hầu hết thiếu hoặc sai lệch, không trùng khớp. Tại Viettel, Thanh tra Bộ TT& TT phát hiện tình trạng thông tin các chủ thuê bao hoàn toàn giống nhau và chỉ khác ở số Chứng minh nhân dân do cùng một tài khoản đăng ký thông tin và kích hoạt trong một ngày. Tương tự ở Vinaphone, trường hợp sử dụng cùng một ảnh Chứng minh nhân dân để đăng ký cho nhiều sim thuê bao, chỉ thay đổi ở số Chứng minh nhân dân trong cơ sở dữ liệu… là rất phổ biến. Đáng chú ý là trong quá trình thanh tra phát hiện số tiền cước Vinaphone "thu nhầm" của khách hàng về các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ lên đến gần 700 triệu đồng. Thanh tra Bộ đã yêu cầu Vinaphone hoàn lại tiền cước cho người sử dụng, tuy nhiên vẫn còn khoảng 77 triệu đồng không thể trả lại "chính chủ" vì chủ thuê bao đã rời mạng.
Khách hàng làm thủ tục cấp lại sim tại cửa hàng Vinaphone 57 Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Yên Chi
|
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2013, tổng doanh thu viễn thông ước đạt 9,9 tỷ USD. Tổng số thuê bao điện thoại đạt trên 130 triệu thuê bao, trong đó di động chiếm 93%. Số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng đối với các doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Mobifone, Viettel, G-Mobile, Vietnammobile) và các trung tâm, chi nhánh, đại lý sim thẻ trên toàn quốc là gần 2 tỷ đồng, tịch thu tổng số 34.667 sim thuê bao di động trả trước. |