“Siết” khâu thẩm định dự án để chống thất thoát, lãng phí

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (21/10), Sở Xây dựng Hà Nội đã khai mạc Hội nghị tập huấn “Hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình tại Hà Nội” cho hơn 500 cán bộ chủ chốt thuộc các sở ngành, quận huyện, thị xã, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Trực tiếp tập huấn là TS Nguyễn Anh Tuấn và TS Nguyễn Văn Dần - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ xây dựng và TS Hoàng Quang Nhu - Phó Vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và môi trường - Bộ xây dựng chủ trì.
 Hà Nội kỳ vọng việc siết chặt công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng sẽ tránh thất thoát, lãng phí trong xây dựng trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó giám đốc Sở xây dựng Hà Nội - Đồng Phước An đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của hội nghị. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước của ngành xây dựng đối với vốn nhà nước thông qua công tác lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán. Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015 đã tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng; phòng chống tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên việc thực hiện Luật Xây dựng 2014 thời gian qua còn vướng mắc, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ thực và giải ngân sách dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ công tác 2016, Hội nghị tập huấn này của Sở Xây dựng nhằm phổ biến các quy định về lập, thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo Luật 2014 và các văn bản hướng dẫn; đồng thời giới thiệu tổng quan về hệ thống tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực khảo sát, thiết kế xây dựng công trình và giới thiệu các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng mới ban hành năm 2016.

Đặc biệt hội nghị tập trung thảo luận, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế và dự toán xây dựng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND TP Hà Nội; thẩm quyền thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình trên địa bàn thành phố; vai trò của công tác thẩm tra trong công tác thẩm định; trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; các vướng mắc khi áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định pháp luật liên quan.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, quy trình thẩm định dự án, TKCS và thiết kế, dự toán xây dựng công trình quy định tại điều 11, điều 30, NĐ 59/CP được hướng dẫn tại Thông tư 18/2016/TT-BXD gồm: Chuẩn bị hồ sơ, trình thẩm định yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ và trình thẩm định, bảo đảm sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; trình đúng cơ quan thẩm định được phân cấp thực hiện thẩm định. Cơ quan thẩm định tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình thẩm định được gửi đến. Thời gian thẩm định thực hiện theo quy định tại Khoản 4, điều 11 và Khoản 8, Điều 30, Nghị định 59/CP. Nội dung thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 58, Điều 83 LXD; Điều 6, Điều 10 của Nghị định số 32/CP. Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung thẩm định có liên quan trong thời hạn quy định. Yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn của chủ đầu tư giải trình, làm rõ về những vấn đề có liên quan đến nội dung thẩm định. Sau đó, cơ quan thẩm định có trách nhiệm lập báo cáo kết quả thẩm định; có đánh giá, kết luận về từng nội dung và toàn bộ nội dung thẩm định; có kiến nghị cần thiết đối với người có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây. dựng công trình có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định, trình người quyết định đầu tư xem xét, phê duyệt (Khoản 8, Điều 57 LXD).

Tuy nhiên cần lưu ý quy định tại Điều 131, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng quy định quy trình: Cơ quan chủ trì thẩm định gửi Báo cáo thẩm định F/S cho chủ đầu tư/ Sở KHĐT - Sở KHĐT thẩm định các nội dung khác, tổng hợp kết quả thẩm định gửi chủ đầu tư – chủ đầu tư hoàn chỉnh F/S gửi Sở KHĐT để rà soát chủ trương đầu tư, khả năng cân đối vốn, tổng hợp – Sở KHĐT trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt dự án. Quy chiếu theo thực tế quy trình thẩm định nêu trên chưa phù hợp với Luật Xây dựng, làm tăng thêm thủ tục thẩm định dự án.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, mục tiêu trọng tâm của Hội nghị nhằm giúp các đơn vị liên quan thực hiện tốt Luật Xây dựng và các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành; giúp các học viên nắm vững nội dung văn bản pháp luật để áp dụng vào thực tiễn công tác của đơn vị; vận dụng tốt các chính sách trong quản lý hoạt động đầu tư, quản lý chất lượng công trình. Hội nghị cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyên sâu việc thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng như quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình tại địa phương.