Có ý kiến cho rằng, nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc lái xe không được đào tạo đến nơi đến chốn, nên không có kỹ năng xử lý tình huống, ông đánh giá gì về nhận định này?
- Tại Hà Nội, việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX là việc làm thường xuyên, liên tục của Sở GTVT. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, lái xe đều là người có kinh nghiệm và thâm niên. Việc đào tạo và thi sát hạch lái xe hiện nay được xếp vào loại hình đào tạo nghề sơ cấp với việc sát hạch và cấp GPLX được thực hiện bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Còn việc đào tạo lâu nay đã được thực hiện theo chủ trương xã hội hoá, các doanh nghiệp tự đầu tư và đào tạo theo chương trình quy định chung và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thời gian gần đây, Sở GTVT Hà Nội đã siết chặt quy trình sát hạch và cấp GPLX để nâng chất lượng học viên. Đặc biệt, từ khi chuyển sang thi xe chip đã giảm bớt yếu tố con người, tỷ lệ người vượt qua kỳ sát hạch bình quân ở mức 65 - 70%.
Thời gian gần đây, lượng người đăng ký học thi lấy bằng lái xe ô tô, xe máy giảm mạnh. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, thưa ông?
- Theo thông kê, 6 tháng đầu năm 2012, Sở GTVT Hà Nội cấp mới 112.069 GPLX, trong đó có 76.472 GPLX xe máy và 35.597 GPLX ô tô. So với cùng kỳ năm trước, số GPLX ô tô giảm 16%, xe máy giảm 6%. Việc người đăng ký học và thi lấy GPLX mới đã giảm trong khoảng 2 tháng trở lại đây, dự kiến sẽ còn kéo dài đến hết năm. Thực tế, những người đăng ký thi sát hạch lấy GPLX từ đầu năm đến nay là những người đã phải đăng ký học cách đây ít nhất 4 tháng. Nguyên nhân của việc sụt giảm là do sau một thời gian đổ xô đi học, đến nay, khá nhiều người đã có GPLX. Bên cạnh đó, việc kinh tế suy giảm, hạn chế đỗ xe tại nhiều tuyến phố, khiến cho người có ý định mua ô tô cũng phải cân nhắc kỹ.
Thi sát hạch cấp Giấy phép lái xe tại Trung tâm Việt Thanh.
Đã có nhiều tỉnh, thành phố chuyển sang cấp, đổi GPLX mẫu mới. Thưa ông, vì sao Hà Nội chưa thực hiện?
- Hoàn toàn không có sự chậm trễ ở đây, bởi thực tế đến tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính mới có Thông tư hướng dẫn thu phí dịch vụ cấp, đổi GPLX theo mẫu mới. Sau khi có thông tư này, Sở GTVT Hà Nội mới làm tờ trình xin kinh phí UBND TP Hà Nội để mua máy móc, thiết bị thực hiện cấp, đổi GPLX theo mẫu mới. Dự kiến đến quý IV năm nay sẽ triển khai in GPLX bằng vật liệu mới và triển khai cấp cho những trường hợp đổi GPLX tại 2 địa điểm là số 2 Phùng Hưng (quận Hà Đông) và 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình). Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến trước ngày 1/7/2013, sẽ hoàn thiện bộ máy, tổ chức cấp mới GPLX theo mẫu mới.
Thực tế, Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương có số lượng người xin cấp, đổi GPLX lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, mỗi ngày thực hiện cấp mới khoảng 620 GPLX (chưa tính tới các trường hợp đổi GPLX hết hạn) bằng số lượng của các tỉnh trong 1 tuần. Do đó, máy móc để sản xuất phôi GPLX cũng phải tính toán kỹ để có thể làm đủ số lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Đang có tình trạng người vi phạm Luật Giao thông bị CSGT tạm giữ GPLX, nhưng lại làm đơn báo mất và xin cấp, đổi GPLX. Sở GTVT đã có biện pháp gì để ngăn chặn?
- Trong 6 tháng đầu năm 2012, số người khai báo mất GPLX tăng đột biến, với 4.260 trường hợp (tăng 1.600 trường hợp so với cùng kỳ năm 2011), trong đó GPLX máy là 1.984 trường hợp, ô tô là 2.276 trường hợp. Trước sự việc này, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các cán bộ tại bộ phận một cửa xem xét kỹ các hồ sơ và đối chiếu với số liệu xử phạt tạm giữ GPLX của lực lượng CSGT, từ đó mới làm thủ tục cấp đổi GPLX. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi việc kết nối với số liệu thống kê của lực lượng CSGT không phải làm được ngay và rất mất thời gian. Qua đối chiếu, kiểm tra, đã phát hiện 10 trường hợp khai báo mất GPLX giả và Sở GTVT đã tạm giữ hồ sơ và dừng cấp GPLX trong thời hạn 5 năm.
Xin cảm ơn ông!