Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu bão Nalgae tiến nhanh vào biển Đông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay bão Nalgae mạnh thêm một cấp, đạt 15. Bão đang tiến nhanh về Philippines và vào biển Đông trong chiều tối nay.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng nay, tâm bão Nalgae hoành hành trên bờ biển phía đông Luzon (Philippines) với sức gió lên tới 180 km mỗi giờ, đạt cấp 15. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh với tốc độ 25 km mỗi giờ, chủ yếu theo hướng Tây.
Như vậy chiều tối 1/10, bão vào biển Đông và chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa chừng 600 km vào sáng mai. Ma sát với mặt đất khi vào đảo Luzon chỉ khiến Nalgae giảm đi hai cấp và di chuyển chậm lại, song vẫn giữ sức mạnh của một siêu bão khi hoạt động trên biển Đông.

Hầu hết đài khí tượng thế giới đều nhận định, bão đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ. Nhưng từ trưa và chiều 1/10, bắc biển Đông, ngư trường đánh cá của ngư dân Việt Nam sẽ có gió mạnh dần từ cấp 8 tới cấp 13.

Siêu bão Nalgae sẽ là cơn thứ 6 và là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm hoạt động trên biển Đông.
Thiệt hại do bão Nesat đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng trưa 30/9 vẫn chưa được thống kê hết. Tại Quảng Ninh khoảng 300 nhà tốc mái, nhiều thuyền, bè bị vỡ, chìm... Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người do ảnh hưởng trực tiếp từ bão.

Bão Nesat đã gây mưa khá lớn ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hà Tĩnh trên 100 mm. Đặc biệt tại Ba Đồn, Tuyên Hóa (Quảng Bình) trên 200 mm, thành phố Đồng Hới gần 300 mm... Chiều nay, các tỉnh Bắc Bộ mưa ngớt, Bắc Trung Bộ tiếp tục mưa.

Trong khi đó, ở Nam Bộ, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên và ở mức đặc biệt lớn. Lũ lớn khiến 8 người chết, trong đó, An Giang 4 người, Đồng Tháp 1, Long An 2, Cần Thơ 1.

Nước lũ gây vỡ một số tuyến bờ bao, làm ngập lúa vụ 3 với tổng diện tích trên 4.000 ha; khoảng 100.000 ha đang bị uy hiếp; hàng nghìn nhà bị ngập, đổ...

Mặc dù chưa cao bằng đỉnh lũ năm 2000, song một số trạm ở hạ du thuộc 2 dòng chính sông Tiền và sông Hậu đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay như Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ và Mỹ Thuận (Vĩnh Long).

Những ngày đầu tháng 10, lũ ở khu vực này sẽ lần lượt đạt đỉnh, sau đó biến đổi chậm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng lên 4,9 m, cao hơn báo động 3 chừng 0,4 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 4,3 m, cao hơn báo động 3 là 0,3 m.