Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu bão Pam tàn phá đảo quốc Vanuatu: Thời điểm để hành động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị toàn cầu lần thứ ba về giảm thiểu rủi ro thiên tai do Liên Hợp quốc tổ chức tại Sendai, Nhật Bản với sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã bao trùm bầu không khí đau thương trước những thiệt hại khủng khiếp mà siêu bão nhiệt đới Pam gây ra khi quét qua đảo quốc Vanuatu.

Cảnh đổ nát do siêu bão Pam gây ra tại Thủ đô Port Vila, Vanuatu ngày 16/3. 	Ảnh: AP
Cảnh đổ nát do siêu bão Pam gây ra tại Thủ đô Port Vila, Vanuatu ngày 16/3. Ảnh: AP
Cơn giận dữ của thiên nhiên

Người dân của đảo quốc Vanuatu đang phải hứng chịu cơn giận dữ của siêu bão Pam - cơn bão có sức mạnh tương đương siêu bão Haiyan từng khiến hơn 6.000 người Philippines thiệt mạng. Ba ngày sau khi bão Pam quét qua, thủ đô Port Vila, nơi duy nhất giữ được liên lạc với thế giới chỉ còn là đống đổ nát với hàng trăm ngàn người, trong đó có khoảng 60.000 trẻ em cần được giúp đỡ khẩn cấp. Tổng thống Vanuatu Baldwin Lonsdale trước khi rời Nhật Bản đã có bài phát biểu xúc động tại Hội nghị toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đất nước vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, vị trí địa lý tương đối cô lập của đảo quốc có 260.000 dân này là một trong những thách thức đối với lực lượng phản ứng quốc tế. 
Được tin cơn bão Pam gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nước Cộng hòa Vanuatu, ngày 16/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng thống Vanuatu Baldwin Lonsdale, Thủ tướng Joe Natuman, Bộ trưởng Ngoại giao Sato Kilman.

Đội cứu hộ quốc tế đầu tiên đã tới Port Vila khoảng giữa trưa Chủ nhật mang theo nhiều hàng hóa và thuốc men cần thiết nhưng đại diện các tổ chức cứu trợ đang lo ngại về tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường. Hiện ở Port Vila đã xác nhận được 8 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương nhưng do liên lạc bị cắt đứt nên con số thiệt hại chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều.

Sau khi nhận được thông tin bão Pam có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Vanuatu, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Australia kiêm nhiệm Vanuatu thông báo cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Vanuatu chủ động có các hình thức chống, tránh bão phù hợp. Đại sứ quán đã liên hệ với Hội Ái hữu Việt Nam để nắm tình hình và được biết không có thông tin người Việt Nam thương vong; cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đây không bị thiệt hại lớn về nhà cửa.

Tìm giải pháp giảm thiệt hại

Mô tả thiệt hại do siêu bão Pam gây ra cho Vanuatu như một minh chứng rõ ràng nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, các đại biểu dự hội nghị về thiên tai gây ra tại Sendai cho rằng sự kiện quốc tế quan trọng này là thời điểm để thế giới chung tay hành động. Theo đại diện của Vanuatu, người dân tại các đảo trên Thái Bình Dương là những nạn nhân của tình trạng nóng lên toàn cầu và các quốc gia cần phải nỗ lực tìm ra các giải pháp thiết thực nhất nhằm thúc đẩy công tác phòng, chống, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với con người và môi trường, tăng cường khả năng phục hồi của các nước đã từng phải hứng chịu thảm họa thiên tai.

Tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có bài phát triển quan trọng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các đại biểu đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực tham gia và đóng góp xây dựng, có trách nhiệm của Việt Nam đối với mối quan tâm chung của quốc tế về phòng, chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai.