Nguyên nhân là do Chính phủ của bà Alenka Bratusek - nữ Thủ tướng đầu tiên của Slovenia chưa thể tìm ra biện pháp hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng. Hiện, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới 7 tỷ Euro, chiếm 1/5 GDP hàng năm của Slovenia, trong khi áp lực thị trường đã bắt đầu hình thành khi Chính phủ khó tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn để bù đắp thiếu hụt tài chính quốc gia.
Sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004 và Eurozone năm 2007, Slovenia từng được coi là thành viên mới điển hình với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Slovenia, khiến nợ công tăng tới 54,7% trong giai đoạn 2007 - 2011. Chính phủ mới của Thủ tướng Janez Jansa phải tiếp nhận một hệ thống ngân hàng ngập trong nợ xấu. Bất chấp việc quốc gia Đông Âu này đã áp dụng các biện pháp cắt giảm lương của khu vực công cũng như các phúc lợi xã hội để giảm khoảng 800 triệu Euro chi tiêu ngân sách, Slovenia vẫn lâm vào cảnh túng quẫn. Từ tháng 7/2012, những đồn đoán về việc Slovenia sẽ trở thành quốc gia tiếp theo phải xin cứu trợ để giải vây cho khu vực ngân hàng đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, sau khi Slovenia bơm vốn cho Nova Ljubljanska Banka - ngân hàng lớn nhất nước, tình hình đã xấu đi nhanh chóng và hậu quả tất yếu là Chính phủ của ông Janez đã buộc phải nhường lại sân khấu chính trị cho liên minh do bà Alenka Bratusek đứng đầu.
Theo OECD, bà Bratusek, vốn là một chuyên gia tài chính lão luyện cần nhanh chóng tiến hành tư nhân hoá hệ thống ngân hàng nếu không việc Slovenia phải tái diễn kịch bản của Síp sẽ xảy ra trong tương lai không xa.