Số ca tử vong vì Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh giảm mạnh

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số ca tử vong vì Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã giảm mạnh, ngày 9/9 có 195 ca tử vong, giảm gần 100 ca so với ngày 23/8, thời điểm bắt đầu tăng cường giãn cách.

Số ca tử vong giảm sâu
Chiều 10/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch, cung ứng hàng hoá trong thời gian giãn cách, kiểm soát lưu lượng giao thông trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải - Phó ban, người phát ngôn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong đang có xu hướng giảm mạnh. Ngày 23/8 có 292 ca tử vong, ngày 9/9 còn 195 ca, giảm gần 100 ca.
 Những nỗ lực trong công tác điều trị đã kéo giảm số ca tử vong vì Covid-19. Nguồn HCDC
Cũng liên quan đến công tác phòng chống Covid-19, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế đã cung cấp một số thông tin về tiêm chủng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Bộ Y tế đã hướng dẫn nếu thiếu vaccine, sẽ tiêm trộn. Việc tiêm chủng không quy định quốc tịch, tiêm cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tại các địa phương đều tiêm cho người nước ngoài (chưa có con số thống kê chính xác về số lượng người nước ngoài đã được tiêm chủng).
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay trung bình mỗi ngày, số ca nhập viện 3.000-4.000, phần lớn là ca nhẹ, không triệu chứng. Ngoài ra, cũng có nhiều F0 được cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. TP vẫn đang tích cực mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng công tác điều trị cho F0 bệnh nặng. Ngành y tế đang tập trung nhiều giải pháp điều trị cho bệnh nhân F0; F0 cách ly và điều trị tại nhà được cấp thuốc…
Giải đáp về vấn đề đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em, ông Nam cho biết, đối với vaccine Pfizer, nhà sản xuất cho phép tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có hướng dẫn nào cho việc này nên chỉ tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Cơ sở kinh doanh cân nhắc mở cửa hoạt động trở lại
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương đã có một số chia sẻ về việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện ngay nguồn nguyên liệu thực phẩm, thịt gia súc, thịt gia cầm không thiếu. Thực tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa hoạt động trở lại nhiều là do có một số ràng buộc chứ không phải do thiếu nguyên liệu.
 Shipper qua chốt kiểm tra
“Hiện nay có 2 nguyên tắc hoạt động đó là "3 tại chỗ" và "bán mang đi" đặt hàng shipper. Trong khi đó, shipper chỉ hoạt động trong địa bàn 1 quận huyện nên việc đặt hàng cũng chỉ trong 1 địa bàn. Việc các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại chưa nhiều là do họ phải cân nhắc, chứ không phải lý do thiếu nguyên liệu” - ông Nguyễn Nguyên Phương đưa ra nhận định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cũng có những nhận định tương tự ông Nguyễn Nguyên Phương.
Theo ông Lê Mạnh Hà, TP cho một số loại hình kinh doanh trở lại, shipper chỉ di chuyển trong 1 quận, huyện nên cơ sở kinh doanh chưa hoạt động trở lại. Nguồn cung hàng hóa không chỉ do shipper vận chuyển mà còn có các hệ thống cung ứng hàng hóa cung cấp. Hiện nay, TP cho phép bổ sung 2 chợ đầu mối hoạt động, các siêu thị hoạt động đến 21 giờ hàng ngày, khả năng giải quyết nguồn nguyên liệu là ổn định.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng thông tin thêm về phương án mở rộng khung thời gian lưu thông so với quy định của TP. Công an TP kiểm soát về lưu thông nên cân nhắc mở thêm thời gian lưu thông trên đường từ 5 giờ đến 21 giờ 30 hàng ngày, trong khi đó khung quy định hiện nay là từ 6 giờ đến 21 giờ. Việc nới thêm khung thời gian lưu thông để người dân có đủ thời gian đi đường. Thực tế, một bộ phận phải làm việc đến 21 giờ, sẽ có thời gian khoảng 30 phút để đi đường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần