Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đôn đốc kiểm tra đối với các vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/11, trả lời phóng viên về trách nhiệm của Sở NN&PTNT Hà Nội với những vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cần đợi kết luận của Thanh tra TP, bởi nhiều vi phạm là tồn tại cũ.

Một công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ tại xã Minh Trí. Ảnh: Lâm Nguyễn
Với 18 hộ đã được phê duyệt phương án cưỡng chế và triển khai, ông Chu Phú Mỹ cho biết các đơn vị chức năng đã lập biên bản. Sau căn cứ kết luận của thanh tra, Sở sẽ làm rõ trách nhiệm của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ thông tin, Ban quản lý rừng phòng hộ mới thành lập năm 2014. Bên cạnh đó, TP mới quyết định thành lập Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở NN&PTNT vào năm 2013, trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Đầu tư & phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn, với nhiệm vụ quản lý rừng.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội, các hộ vi phạm đến đâu thì cán bộ trung tâm đã lập biên bản và đề xuất cưỡng chế. Nhưng do nguồn đất rất phức tạp nên huyện cũng chưa tổ chức cưỡng chế được. Vừa qua, các đơn vị của Sở đã chuyển hết hồ sơ các công trình vi phạm để huyện Sóc Sơn nghiên cứu, xem xét cưỡng chế. Trước mắt, vận động các hộ tự tháo dỡ, sau thời hạn mới tiến hành cưỡng chế.
Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết: Khi lãnh đạo Sở làm việc với Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn, quan điểm giữa hai bên đều thống nhất là giao Trung tâm chuẩn bị hết hồ sơ vi phạm chuyển sang huyện để huyện nghiên cứu và tổ chức xem xét xử lý theo quy định. Sở sẽ đôn đốc kiểm tra, còn cưỡng chế là trách nhiệm của địa phương.
Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội phải tiếp quản toàn bộ tài liệu, hồ sơ bàn giao lại từ đầu năm 2014. Nhiều trường hợp hồ sơ giao đất không đúng quy định. Có trường hợp là UBND xã đã cấp "sổ đỏ" nên khó khăn trong công tác cưỡng chế.
Về việc cấp “sổ đỏ” trong đất rừng, ông Chu Phú Mỹ cho biết, trước đây là đất thuộc lâm trường và có trường hợp dân đến khai thác vùng kinh tế mới. Dân ở trước, rừng có sau. Sau đó có quy hoạch rừng thì các hộ này nằm trong rừng. “Tuy nhiên, người dân được giao đất trồng rừng chứ không phải đất ở. Vì vậy, những trường hợp cấp “sổ đỏ” vào đất rừng là sai" - ông Chu Phú Mỹ nói.