Nhiều cái tên ngân hàng trong vòng xoáy mua bán, sáp nhập như Oceanbank, GP Bank, MDB… đang đứng ngồi không yên, lo cho số phận của mình. Được chú ý nhiều nhất thời gian qua có lẽ là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank)- cái tên gắn với khá nhiều biến cố buồn trong năm 2014.
Khách hàng đang giao dịch tại một chi nhánh của ngân hàng Oceanbank.
|
Năm 2015, ngân hàng này cũng đang được dư luận quan tâm đặc biệt với tin đồn sẽ sáp nhập với ngân hàng khác. Trước thời điểm nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng này là ông Hà Văn Thắm bị bắt, Oceanbank dù không được đánh giá là ngân hàng “khỏe” nhưng vẫn không bị xếp vào diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu đợt một.
Tháng 10/2014, sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt được coi là “tâm chấn” lớn của ngân hàng này. Bộ máy lãnh đạo bị xáo trộn, hàng loạt sai phạm của cá nhân ông Thắm gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng, nhất là cho vay. Theo một nguồn tin riêng của PV Báo Kinh tế & Đô thị, sau thời gian NHNN kiểm soát đặc biệt, hiện nay, một nhóm Vietinbank đã được NHNN cử về “đóng đô” tại Oceanbank để kiểm soát các hoạt động của ngân hàng này. Tuy nhiên, khả năng Oceanbank có “về chung nhà” với Viettinbank hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc NHNN cử một ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính và quản trị hỗ trợ, chỉnh đốn lại là cần thiết. Sau khi mọi việc vào “khuôn khổ”, bán cho, bán như thế nào mới là phương án được NHNN tính đến.
Được biết, từ đầu tháng 1/2015, Oceanbank đã dừng giải ngân một số khoản vay mới. Các hoạt động khác từ các chi nhánh, phòng giao dịch đều phải báo cáo trực tiếp với Phó Tổng Giám đốc ngân hàng.
Trả lời PV Báo Kinh tế & Đô thị, bộ phận truyền thông ngân hàng này cho biết, hiện nay, các hoạt động của Oceanbank vẫn diễn ra bình thường với sự chỉ đạo và giám sát của NHNN. “Các lãnh đạo có thẩm quyền phát ngôn của OceanBank đang đi công tác”- đại diện này nói.
Trước đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, lãi trước thuế của Oceanbank chỉ đạt 52 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 277 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ, nợ xấu tăng vọt lên trên 5%, tăng trưởng tín dụng chỉ vỏn vẹn 3,54%. Đáng lo nhất là dù đã tăng trích lập dự phòng, song tỷ lệ dự phòng/nợ xấu của ngân hàng này vẫn đang ở mức thấp (hơn 56%), chất lượng tài sản đang ở mức lo ngại. Bên cạnh các khoản nợ xấu cho vay thị trường 1, Oceanbank còn có 1.086 tỷ đồng cho vay liên ngân hàng quá hạn với Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thuỷ vào cuối 2013 với tỷ lệ dự phòng trích lập chỉ là 26,8%.