Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóc Trăng: nông dân thu nhập khá nhờ chuyển đổi trồng màu ngắn ngày

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt trong thời gian qua, nhiều nông dân trong huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã cải tạo đất trồng màu trong mùa khô để giải quyết lao động nông nhàn và đã đem lại hiệu quả cao.

Trong khi nhiều nông dân đang lo lắng vì hạn, mặn do lúa thiếu nước, nhưng ông Lâm Tal (66 tuổi), ở ấp Tân Lập, xã Long Phú, huyện Long Phú rất phấn khởi vì ông trồng màu mùa khô, khi ít người trồng nên rất có giá.

Ông Lâm Tal cho biết: Hiện ông trồng 3.500m2 gồm: xà lách, cải xanh, cải ngọt và hiện mỗi ngày ông bán cho tiểu thương gần 100 ký màu các loại, với giá từ 12 ngàn đến 20 ngàn đồng/ký. Nhờ trúng giá nên vụ màu này, mỗi một công lời vài chục triệu đồng.

Ông Lâm Tal (bên trái) đang chia sẻ kinh nghiệm "thuận thiên" trồng màu ngắn ngày mùa hạn mặn.
Ông Lâm Tal (bên trái) đang chia sẻ kinh nghiệm "thuận thiên" trồng màu ngắn ngày mùa hạn mặn.

Ông Lâm Tal chia sẻ: “Làm lúa vụ 3 này thua trồng hoa, màu. Trồng hoa màu vụ này chắc ăn 100%, tại vì mình sử dụng nước ngọt để xuống là thấy có tiền rồi; bởi vì chi phí tháng này tôi khoảng 1 công 3 triệu, cộng với tiền công 2 triệu là 5 triệu, thu hoạch khoảng 30 triệu trở lên. So ra vụ màu với vụ lúa mà vụ màu này nó lợi nhuận rất là cao, vụ màu lời 10 triệu, lúa chỉ 2 triệu đồng”.

Để sản xuất được nhiều vụ màu trong năm, kể cả mùa khô, gia đình ông Lâm Tal đã đào nhiều mương nhỏ, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu. Ông chủ yếu sử dụng nước ngọt từ cây nước sử dụng trong gia đình, không sử dụng nước trong kênh bị nhiễm mặn nên màu phát triển tốt và đặc biệt ông chỉ sử dụng phân sinh học để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng nên được mọi người ưa chuộng.

Ông Kim Minh Trúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nhận xét: “Xuống tham quan, xem xét mô hình của ông Lâm Tal, chúng tôi thấy rất rõ đối với việc chuyển đổi trồng màu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt sử dụng được ngày công nhàn rỗi. Theo tôi, mô hình trồng màu này nên nhân rộng trong hội viên nông dân, sau khi chúng ta sản xuất 2 vụ lúa chính đến vụ Đông Xuân muộn chuyển qua trồng màu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình”.

Theo ông Lâm Tal, hàng năm ông sản xuất 3 vụ màu, sau đó cải tạo đất và chờ đến vụ Hè Thu chính vụ, ông sẽ chuyển sang trồng một vụ lúa và cứ thế xoay vòng, nhờ vậy vừa tiết kiệm chi phí phân bón cho cây lúa, tạo độ màu mở cho đất, tăng thu nhập, giảm chi phí trong sản xuất. Qua thực hiện mô hình này, hàng năm đem lợi nhuận cho ông gần 200 triệu đồng, ông xây dựng được ngôi nhà khang trang, trị giá hơn 300 triệu đồng.

Bà Huỳnh Hữu Hiếu, Phó Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Phú cho biết: “Qua mô hình hộ dân ở đây tôi thấy có hiệu quả rất là nhiều, thứ nhất là về vấn đề thời gian để mình thu hoạch sớm là có nguồn thu nhập cho bà con rồi, chi phí thấp, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bà con ước tính lời 1 công 30 triệu đồng”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Phú có hơn 1.000ha lúa Đông Xuân muộn đang bị ảnh hưởng của hạn, mặn và có nguy cơ thất mùa là rất cao. Nhưng diện tích trồng màu của lão nông Lâm Tal đang phát triển tốt và cho thu thập cao, giải quyết được lao động nông dân nhàn ở nông thôn trong những tháng mùa khô.