Nhộn nhịp tại Hà Nội
Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thị trường xe đạp điện chủ yếu phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc và có xu hướng phát triển ở phía Nam. Trên các phố kinh doanh xe đạp điện của Hà Nội như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Phố Huế, Phạm Văn Đồng... khách đến xem khá đông do có dịch vụ hậu mãi phong phú, mẫu mã đa dạng.
Do đối tượng mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, những loại xe điện có kiểu dáng trẻ trung, màu sắc bắt mắt và nhiều tính năng phụ trợ thường được ưu ái hơn. Chủ cửa hàng kinh doanh, sửa chữa xe đạp điện 225 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội Phạm Gia Thành cho biết: “Dịp tựu trường vừa qua cửa hàng bán khá chạy, mỗi tháng bán được 30 – 40 chiếc, chủ yếu là xe của hãng Jan, NiJia. Hiện xe Jan 133S nhập có giá khoảng 11,7 triệu đồng, bán ra 12,3 triệu đồng; NiJia được nhiều khách hàng chọn mua nhất vì gầm cao, trọng lượng nhẹ, giá thành hợp lý, khoảng 8,6 triệu đồng/chiếc, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người dân, nhất là các gia đình công chức”…
Một số sản phẩm có giá thành gần 20 triệu đồng nhưng ít người mua, đa số là các gia đình có điều kiện về kinh tế. Trong khi nhiều dòng xe khác có giá thành trên dưới 10 triệu đồng bán khá chạy. Đa số các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, còn một số do các DN trong nước nhập phụ tùng về lắp ráp và giá thành rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng/chiếc. Anh Thành chia sẻ thêm, các lỗi xe tùy thuộc vào nhiều vấn đề do nước mưa, do cách sử dụng, sạc pin không đúng cách nên làm hỏng ắc quy, hoặc bị “dính” mưa gây ẩm động cơ, ảnh hưởng đến bộ điều tốc. Người tiêu dùng không nên để kiệt hết ắc quy. Chỉ cần ắc quy còn 30% là sạc được, và sạc một lần cho đầy, dòng xe nào mà các phụ tùng điện đặt ở trên cao sẽ có độ bền cao.
Chị Nguyễn Hoàng Nhi, nhân viên cửa hàng xe đạp điện tại ngã tư Cổ Nhuế - phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, thời điểm này lượng xe đạp bán ra có giảm chút ít so với khoảng giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 (dịp khai giảng năm học mới) có thể tăng đến 6 - 70%. Khách chủ yếu là học sinh, nhất là học sinh THCS, THPT, hiện nhu cầu của lứa tuổi này rất lớn. Trong khi đó, chị Bùi Thị Nga (Trần Cung – Cổ Nhuế) cho hay, do gia đình không có điều kiện đưa đón con đi học mỗi ngày, cháu lại học trường THCS Nghĩa Tân (cách nhà khoảng 3km) nên phương tiện phù hợp nhất là xe đạp điện. Bởi đi xe máy thì cháu chưa đủ tuổi, cũng không yên tâm vì rất nguy hiểm. “Các phụ huynh trong lớp phần lớn đều lựa chọn xe đạp điện cho con mình” - chị Nga chia sẻ .
Hiện nay, xe đạp điện với ưu điểm tiết kiệm chi phí, độ an toàn cao, trong tương lai có thể thay thế được xe máy. Để kích cầu tiêu dùng, các nhà sản xuất thường kèm theo sản phẩm là khuyến mại mũ bảo hiểm, khóa chống trộm, bảo hành xe trong 2 năm...
TP Hồ Chí Minh vào guồng
Trong khi đó, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, xe máy điện, xe đạp điện tuy phát triển chậm hơn khoảng 3 năm so với Hà Nội, nhưng hiện cũng rất sôi động, với nhiều loại mẫu mã và chủng loại khác nhau. Chị Hà Thị Thơm - quản lý bán hàng của Công ty Thế giới Xe chạy điện (317 Quang Trung, quận Gò Vấp) cho biết: “Công ty chúng tôi là nhà phân phối và bán lẻ các loại xe điện được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài và lắp ráp trong nước. Hiện tại, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công ty có 4 showroom bán các loại xe đạp điện của các hãng như Yamaha, Honda, Giant, Aima, Sonsu, Việt Nhật… Tháng 9 vừa rồi là thời gian đầu năm học mới nên trung bình mỗi ngày một cửa hàng bán được 30 chiếc, mẫu xe bán chạy nhất là các dòng xe được nhập khẩu nguyên chiếc như Aima có giá 12 triệu đồng và xe Sonsu giá bán 9 triêu đồng”.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi chọn mua xe đạp điện vẫn còn thờ ơ, chưa tìm hiểu kỹ về cách sử dụng xe, đồng thời không quan tâm nhiều đến cách bảo dưỡng, sửa chữa, nên nhiều khi rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” với xe đạp điện.
Khách hàng lựa chọn xe đạp điện tại cửa hàng 476 Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Tuyến
|
Xe đạp, xe máy điện bán trên thị trường hiện nay có giá từ 8 - 18 triệu đồng/chiếc; Xe điện nhập khẩu các hãng, xe điện Yamaha, Giant , Bridgestone có mức giá trung bình khoảng 10 – 14 triệu đồng; Các dòng xe thời trang, đẹp mắt, bền hơn như: Xe điện X-Men, Zoomer có giá khoảng 15 – 18 triệu đồng; Xe điện sản xuất trong nước như: Thống Nhất, Delta, Hitasa giá khoảng 8 – 10 triệu đồng. Đặc biệt, khách hàng cẩn thận với các loại xe nhái kiểu dáng thường có giá thấp hơn hàng chính hãng từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/chiếc. |
Những lưu ý khi mua xe điện Trên thị trường có rất nhiều loại xe điện với mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng khác nhau. Mỗi dòng xe cung cấp một tính năng, ưu điểm riêng. Khi mua xe nên hỏi rõ xem loại xe này có những ưu – nhược điểm gì? Vận tốc của xe, quãng đường đi được khi sạc pin để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho nhu cầu sử dụng. Mua xe tại các hãng xe, đại lý lớn có uy tín có cam kết bán hàng, bảo hành hàng chính hãng bằng văn bản. Về thời gian sạc và cách sạc ắc quy: Người sử dụng nên chú ý theo dõi để biết khi nào xe gần hết điện và sạc điện đúng lúc. Thông thường để sạc đầy một bình ắc quy sẽ mất từ 6 - 8 tiếng. Một lưu ý nhỏ là bạn không nên cắm phích sạc khi đã rút ắc quy ra. Khi mới mua về, ắc quy còn mới và gần như chưa được sạc lần nào. Bạn cần cắm sạc cho ắc quy từ 12 tiếng liên tục trở lên để nạp đầy năng lượng và nạp lại như vậy liên tục trong vòng 3 lần sạc đầu tiên. Sau 3 lần sạc đầu bạn sử dụng như bình thường, khi nào ắc quy có tín hiệu báo sạc thì bạn mới bắt đầu nạp điện. Về việc thay mới hoặc sửa chữa: Thông thường, ắc quy xe đạp điện có công suất từ 12 - 24V. Khi bạn cần thay thế ắc quy cho xe cần xem xét kỹ chủng loại và công suất của ắc quy cũ và chọn ắc quy mới tương tự. Bạn nên đến những cửa hàng có uy tín để mua, không nên mua những loại ắc quy trôi nổi trên thị trường, vì chất lượng của chúng không đảm bảo, có thể ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng của xe. Chọn xe đạp điện sử dụng pin hay ắc quy: Theo các nhà phân tích thì trọng lượng của pin sẽ nhẹ hơn ắc quy; Quãng đường xe chạy bằng pin sẽ được nhiều hơn xe chạy bằng ắc quy; Thời gian sạc của pin ngắn hơn ắc quy; Pin khó thay thế hơn ắc quy; Chi phí thay pin cao gấp 3 lần chi phí thay ắc quy. Trên trang web của Thế Giới Xe Điện bán rất nhiều mẫu xe sử dụng Pin Litium (LiPo) nhưng Công ty chúng tôi vẫn khuyên quý khách hàng nên sử dụng dòng xe chạy ắc quy hơn với những lý do sau: Giá thành Pin rất đắt, khoảng từ 4 - 6 triệu đồng/cục tùy từng loại. Trong khi đó khi thay thế ác quy chỉ mất 1,2 - 1,5 triệu đồng/bộ 4 cục; Xe chạy pin rất dễ cháy nổ nếu sạc điện lâu không rút ra, xe chở quá tải, điều kiện thời tiết xấu hay xảy ra va chạm… Nguyên Dương
|