Chưa hiệu quả
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tăng 44,19% so với cùng kỳ và tăng hơn mức tăng trưởng chung so với cả nước. Thế nhưng, giá trị sản xuất công nghiệp lại đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011; Lượng hàng tồn kho tăng cao, nhiều sản phẩm chủ lực của vùng giảm sút trong sản xuất, tiêu thụ.
Việc liên kết vùng đã tạo điều kiện để Hapro phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại nhiều địa phương.Ảnh: Hoài Nam
Để khắc phục những khó khăn này, việc tăng cường liên kết vùng miền, hỗ trợ lẫn nhau là điều cần thiết, thế nhưng đây lại là điều không dễ dàng. Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện công nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh là sắt thép, hóa dầu, điện, đã đưa vào quy hoạch của Nhà nước, nhưng việc liên kết phát triển, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Tĩnh với các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng rất khó khăn do chưa có quy hoạch phát triển chung cho cả vùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương): Các tỉnh trong vùng chưa liên kết trong tiêu thụ sản phẩm là do đến nay vẫn thiếu một cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, việc thiếu một "nhạc trưởng" giữ vai trò điều phối cũng khiến việc xây dựng chuỗi liên kết vùng trở nên lỏng lẻo. Vì vậy, thời gian qua mặc dù một số tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa thể phát triển như mong muốn. Thực tế cũng cho thấy, việc liên kết vùng miền trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không dễ, bởi một số địa phương vẫn tồn tại tư tưởng lợi ích cục bộ trong phát triển kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất bằng mọi giá và hậu quả là lượng hàng tồn kho tăng cao.
Lời giải nào cho bài toán khó
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương liên kết với tất cả các tỉnh, thành để xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, trong những năm vừa qua ngành công thương Hà Nội đã tăng cường liên kết với Thái Bình trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối. "Việc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội mở nhiều siêu thị tại Thái Bình, qua đó hỗ trợ Thái Bình tiêu thụ hàng nông sản, hoạt động này cho thấy việc liên kết vùng đã mở ra nhiều lợi ích cho phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay hàng tồn kho tăng cao" - ông Thăng nói. Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc bày tỏ: Do Vĩnh Phúc chưa có doanh nghiệp thương mại lớn nên khó kêu gọi tỉnh bạn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vĩnh Phúc rất mong liên kết với các tỉnh trong hoạt động này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, hiện nay sản xuất công nghiệp thương mại của cả nước tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn thấp so với mục tiêu, việc các tỉnh, thành tăng cường liên kết là một giải pháp thiết thực trong việc tiêu thụ hàng tồn kho.
Để tiêu thụ hàng tồn kho, các doanh nghiệp cần có sự liên kết vùng giữa các địa phương.
Trong ảnh: Vận chuyển hàng vào kho tại Công ty Xi măng Điện Biên.Ảnh: Anh Tuấn
Mặc dù đã có một số mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh thành phố nhưng nhiều đại biểu cho rằng, để hoạt động này đạt được kết quả, trước hết phải giải quyết được các vấn đề: mục tiêu, cơ chế, chính sách cụ thể trong việc liên kết vùng nhất là cơ chế phối hợp… Những băn khoăn này cho thấy, muốn thực hiện được liên kết vùng, đòi hỏi phải có hành làng pháp lý rõ ràng, đây là cơ sở để ngành công thương các tỉnh đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành công thương cần nhanh chóng đưa ra quy hoạch vùng theo hướng gắn phát triển những ngành hàng là thế mạnh của từng địa phương.
Tuy nhiên, bản thân các địa phương cũng phải tổ chức lại quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương mình.