Thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Nếu hai công cụ này được thông qua thì sẽ góp phần giải quyết một phần nợ xấu. Tuy nhiên, các giải pháp chỉ mang tính “cứu trợ” bên cạnh việc huy động nội lực từ phía ngân hàng và chính các doanh nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nguồn thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được giữ ở mức 11 - 13%/năm; giảm lãi suất huy động xuống còn 6%/năm; tỷ giá đồng USD sẽ tiếp tục ổn định và Nhà nước tuy không bình ổn giá vàng nhưng cũng sẽ có nhiều biện pháp không khuyến khích người dân trữ vàng miếng…
Hai tháng đầu năm 2013, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tại Đà Nẵng tăng thêm 974 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2012 và dư nợ cho vay chỉ tăng thêm chưa tới 20 tỷ đồng. Như vậy, bước qua năm 2013, vốn của ngân hàng vẫn chưa hấp thu vào nền kinh tế, dù lãi suất cho vay tiếp tục được ngân hàng điều chỉnh giảm ở cả cho vay tiền nội địa và ngoại tệ.
Hiện lãi suất vay bình quân VND của các chi nhánh tín dụng ở Đà Nẵng là 13,92%/năm, trong đó nhiều gói tín dụng chào lãi suất chỉ có 9 - 10%/năm, còn lãi suất USD là 5%/năm; chủ yếu thuộc các lĩnh vực công nghiệp (18,8%/năm), thương mại và dịch vụ (19,91%/năm); xây dựng (13,65%/năm)…
“Thị trường tiền tệ là nơi cất giữ vốn nhàn rỗi trong nhân dân chứ không thể tiếp tục là kênh đầu tư như thời gian qua. Do đó, các ngân hàng cần phải ngồi lại giảm lãi suất cho vay dưới 13%/năm, đây là biện pháp cứu cánh cho mối quan hệ cộng sinh ngân hàng - doanh nghiệp”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.
Doanh nghiệp mong giảm thuế VAT
Theo ý kiến của các doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng, hiện ngân hàng rất cân nhắc trong việc chọn lựa khách hàng và doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp hoặc được miễn - giảm - giãn nợ. Mức lãi suất bình quân doanh nghiệp đang phải vay là từ 12 - 15%/năm, như vậy doanh nghiệp hoàn toàn không có lãi.
ông Lê Văn Minh - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeAbank) cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, dù lãi suất đã giảm từ 22 - 25% xuống còn 12 - 13%/năm nhưng nền kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng chậm. Nguyên nhân xác định là cần phải giải quyết đầu ra để hồi sức hoạt động kinh doanh. Do đó, ông đề xuất Chính phủ có giải pháp giảm thuế VAT các mặt hàng thiết yếu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để các đơn vị giảm giá thành sản phẩm, kích cầu sức tiêu dùng trong dân.
Kiến nghị với Thống đốc, đại diện các doanh nghiệp mong mỏi cần có giải pháp giúp doanh nghiệp cơ cấu và gia hạn nợ chứ không phải đáo hạn ngân hàng buộc doanh nghiệp phải “vay nóng” với lãi suất cao; “giải cứu” thị trường bất động sản; xiết chặt tình trạng buôn bán hàng lậu để các sản phẩm trong nước có thể cạnh tranh trong môi trường lành mạnh; tái cấu trúc ngành ngân hàng, đặc biệt nâng cao sức hấp thụ vốn, sức mua nền kinh tế …
Nhiều doanh nghiệp còn bày tỏ mối quan ngại về các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô như tỷ giá đồng USD, thị trường vàng, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc nền kinh tế; …
Ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng, Thống đốc tái khẳng định quyết tâm tái cấu trúc thị trường tiền tệ để đưa nó về vai trò chủ lực của nền kinh tế trong năm 2013, tạo ra nền tảng phát triển kinh tế bền vững.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất; chủ động, linh hoạt trong công tác cho vay, hướng cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch HĐND TP cho biết, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp mà đại diện lãnh đạo chính quyền TP và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng sẽ là “trọng tài” phân định, kịp thời tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng đơn vị để nền kinh tế địa phương có hướng phát triển ổn định và bền vững.