Sớm gỡ vướng quy hoạch để đưa huyện Gia Lâm thành quận

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Xây dựng, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch huyện Gia Lâm nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh Hà Nội phát triển sẽ được cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030 và trong quá trình rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Còn 4 xã nông nghiệp khi sắp thành quận

Với vị trí cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, huyện Gia Lâm sở hữu vị trí thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, là cửa ngõ giao thương quan trọng kết nối Hà Nội - Bắc Ninh, Hưng Yên và nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống Nhân dân và cải thiện bộ mặt đô thị quận. Năm 2019, huyện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng thành quận đến năm 2025.

Đến nay, huyện đã đạt 25/27 tiêu chí lên quận, trong đó nhiều tiêu chí đã đạt về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của quận theo quy định.

Tuy nhiên, một lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng, vừa là định hướng vừa là công cụ để tổ chức thực hiện và quản lý công tác đầu tư xây dựng, đó là công tác quy hoạch lại đang phát sinh những bất cập.

Huyện Gia Lâm vẫn còn những vướng mắc về quy hoạch khi sắp lên quận.
Huyện Gia Lâm vẫn còn những vướng mắc về quy hoạch khi sắp lên quận.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, huyện Gia Lâm có khoảng 2/3 diện tích nằm trong khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô, phần còn lại là khu vực vành đai xanh, nằm ngoài khu vực dự kiến phát triển đô thị.

Cụ thể, trên địa bàn huyện có 13 xã, thị trấn cơ bản nằm hoàn toàn trong khu vực đô thị; 4 xã có một phần nằm trong khu vực đô thị, một phần nằm ngoài, đặc biệt là có 4 xã nằm hoàn toàn ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị vẫn là đất nông nghiệp.

Trong khi đó, các địa bàn giáp ranh với huyện Gia Lâm như: Văn Giang, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên); Từ Sơn, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) hiện đang phát triển đô thị rất mạnh mẽ. Vừa qua, thị xã Từ Sơn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quyết định thành lập TP trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, các huyện Văn Giang, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) cũng đang trong quá trình đô thị hóa mạnh với trung tâm công nghiệp Như Quỳnh - Phố Nối và những khu đô thị lớn như: Ecopark, Dream City, Đại An…

“Trước thực tế này có thể thấy, phần diện tích nằm ngoài khu vực dự kiến phát triển đô thị theo định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của huyện Gia Lâm và các khu vực lân cận. Do đó, huyện đã có kiến nghị TP trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch lần này cần nghiên cứu điều chỉnh phạm vi phát triển đô thị đến hết địa giới hành chính huyện Gia Lâm” - ông Trương Văn Học cho hay.

Điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm sự liên kết đồng bộ

Bên cạnh bất cập về phạm vi phát triển đô thị, lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết, các chỉ tiêu quy hoạch cũng chưa phù hợp. Cụ thể, theo định hướng quy hoạch chung, phần lớn diện tích của huyện thuộc vành đai xanh, hành lang xanh với chỉ tiêu cây xanh, mặt nước quá cao dẫn đến việc diện tích phát triển đô thị lớn nhưng dân số lại phân bổ thấp.

Đồng thời, khống chế mật độ xây dựng thấp và công trình xây dựng thấp tầng (3 - 5 tầng), gây khó khăn trong công tác quản lý và triển khai dự án. Nhất là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, khi TP đã có chỉ đạo diện tích xây dựng nhà ở xã hội phải quy hoạch xây dựng nhà ở chung cư cao tầng.

Nhận thấy những bất cập, mới đây, cử tri Hà Nội đã có kiến nghị gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó nêu, các tỉnh giáp ranh với huyện Gia Lâm đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh. Trong khi đó, theo quy hoạch huyện Gia Lâm tại các khu vực giáp ranh này phần lớn vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc rà soát điều chỉnh quy hoạch Thủ đô các khu vực nói trên tại huyện Gia Lâm cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển.

 

Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội với các đơn vị liên quan tổ chức vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu cần tập trung cao độ cho huyện Gia Lâm hoàn thành trong năm 2023. Đối với 4 huyện còn lại tập trung nguồn lực vào các tiêu chí thực chất để triển khai trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng thông tin, để đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; căn cứ quy định pháp luật về xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu phát triển chung.

Hiện nay, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó gồm Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch cũng xác định rõ quan điểm là bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương trong vùng gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch.

Đối với việc rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu vực cụ thể (huyện Gia Lâm) có giáp ranh với các địa phương xung quanh Hà Nội (tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…) cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ được cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch trên và trong quá trình rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

 

Trong quá trình thực hiện rà soát để lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã xây dựng những bảng biểu mẫu gửi đến tất cả các quận, huyện cho ý kiến về các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô từ năm 2011 đến nay và nêu kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi. "Những kiến nghị này đã được Sở tổng hợp báo cáo, UBND TP xin chủ trương lập nhiệm vụ và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất. Hiện nay, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang tiến hành lập nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô." - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần