Trong số 14 hầm đi bộ còn lại, có 11 hầm mở cửa nhưng việc quản lý đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập; 3 hầm H14, H15 và H16 thì không hiểu vì lý do gì mà "cửa đóng then cài" suốt nhiều tháng qua, dù nhu cầu đi lại của người dân rất cao.
3 hầm đi bộ hiện đang được tu sửa là H1, H6 (gần cầu vượt Mai Dịch và Trung tâm Hội nghị Quốc gia) và H8 (nằm tại ngã tư giao cắt với Đại lộ Thăng Long) do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hầm đi bộ này không hề thấy bóng dáng bất cứ công nhân nào. Cửa hầm chui được khóa trái và theo phản ánh của nhiều người dân sống xung quanh là đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Việc 3 hầm đi bộ trên tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến chậm được sửa chữa khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nguy hiểm rình rập khi người qua đường phải "băng qua" dòng phương tiện thường xuyên lưu thông với tốc độ cao.
Hầm H16 cửa đóng then cài, cửa hầm trở thành nơi trưng biển quảng cáo. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Đầu tháng 11 này, chúng tôi cũng đã tìm hiểu việc đi lại của người dân tại khu vực các hầm đi bộ H14 (gần trường Tiểu học và THCS Kim Giang), H15 và H16 (khu vực các trường Đại học Thăng Long, Khu tập thể Bộ Công an, Chung cư Kim Văn Kim Lũ,…). Thực tế cho thấy, nhu cầu "qua đường" của người dân trên tuyến Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm rất cao. Đặc biệt, tại khu vực trường Đại học Thăng Long, mỗi khi có chiếc xe buýt vào dừng đỗ tại bến là hàng tốp sinh viên bám tay nhau, nhích từng bước qua đường. Chỉ khoảng 30 phút quan sát, chúng tôi tính sơ bộ cũng có không dưới 50 người (phần lớn là học sinh, sinh viên) đi bộ qua đường bất chấp nguy hiểm, trong khi hầm đi bộ gần đó lại gần như bị "bỏ hoang". Cô Trần Thị Dung, nhà ở phường Kim Giang, bán hàng gần hầm đi bộ H15 cho hay: “Không biết cửa hầm dành cho người đi bộ đóng từ khi nào bởi kể từ khi bán hàng ở đây hồi tháng 1/2013, tôi đã thấy cửa hầm đóng im thin thít”.
Một sinh viên năm thứ nhất, khoa Ngôn ngữ Anh (Đại học Thăng Long) thậm chí còn bức xúc: "Có hầm đi bộ mà cả ngày đóng kín cửa, không hiểu xây dựng để làm gì!".
Nhu cầu thực tế là vậy, nhưng trong công văn trả lời báo chí mới đây, Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội - đơn vị được Sở GTVT Hà Nội giao quản lý các hầm đi bộ trên tuyến đường Vành đai 3 này lại cho rằng, nhu cầu đi lại của người dân qua các hầm H14, H15 và H16 là không cao (?!).
Cũng theo quan sát, tại nhiều khu vực hầm chui mở cửa phục vụ người dân như H3 (Bến xe Mỹ Đình), H4 (Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì), H9 (Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an), H11 (Tòa nhà Vinaconex 1) hay H12 (Ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến), tình trạng hàng quán xung quanh lấn chiếm lối đi, không gian xung quanh hầm đi bộ để làm chỗ dừng đỗ xe máy, dán quảng cáo rao vặt, kinh doanh trà nước,... diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến hình ảnh hầm đi bộ ít nhiều trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, dù tại những khu vực đông dân cư qua lại kể trên đã có hầm chui nhưng tình trạng người dân "bỏ quên" hầm chui, đi lại tùy tiện trên mặt đường, đặc biệt tại những hầm gần điểm quay đầu xe và có hệ thống đèn tín hiệu giao thông là không hiếm gặp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này do hầm đi bộ thiết kế cách khá xa so với "điểm cần đến" của người đi bộ. Điều này không chỉ gây lãng phí lớn về hạ tầng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên trục đường chính.
Để khắc phục tình trạng lộn xộn tại khu vực hầm đi bộ, đề nghị Ban QLDA Thăng Long và Công ty CP công trình giao thông 2 Hà Nội sớm có kế hoạch hoàn tất việc duy tu, sửa chữa; đồng thời tính toán việc mở cửa các hầm đi bộ H14, H15 và H16 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.