Nhiều khu vực còn bị ngập lụt, mất điện Ngày hôm qua (6/11), mưa đã giảm và dứt trên hầu khắp các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, hậu quả do mưa lũ những ngày qua là rất nặng nề.
Tại tỉnh Khánh Hòa, đến nay, mưa lũ đã khiến ít nhất 27 người chết và 5 người mất tích. 993 nhà sập đổ. 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái. 1.141 tàu thuyền bị chìm, cùng trên 1.000ha nuôi trồng thủy sản và hàng chục nàng héc-ta lúa, hoa màu bị thiệt hại... Tổng thiệt hại ước khoảng 7.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, hiện, trên 5.464 người đã được bố trí về các địa phương chịu ảnh hưởng để khắc phục hư hỏng hạ tầng. Đến 17 giờ chiều qua, các huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Diên Khánh và TP Nha Trang, đã được cấp điện trở lại. Dự kiến tới ngày 8/11, mới hoàn thành cấp điện cho toàn tỉnh. Một địa phương khác cũng chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ là tỉnh Phú Yên. Theo đại diện tỉnh này, bão số 12 là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng tới tỉnh trong lịch sử. Tính đến chiều 6/11, đã khôi phục hệ thống và cấp điện cho các huyện, TP: Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Sông Cầu, Phú Hòa; các địa phương khác sẽ hoàn thành cấp điện trong ngày 8/11. Huyện đang bố trí 1.035 cán bộ, chiến sĩ và 3.000 người hỗ trợ người dân vùng lũ phục hồi hạ tầng. Trong khi đó tại tỉnh Quảng Nam, nhiều địa phương còn đang bị chia cắt do QL1A ngập nặng. 10.000 hộ dân được sơ tán vẫn chưa trở về. Tỉnh đang tiếp tục sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm; bố trí lực lượng hỗ trợ việc đi lại khu vực đường ngập nước. Thiếu tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, khoảng 12.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đang được triển khai, hỗ trợ các tỉnh vùng lũ tìm kiếm người còn đang bị mất tích, khắc phục hư hỏng hạ tầng sau bão số 12… Không để người dân sống “màn trời chiếu đất”Thông tin tới Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 12 là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng tới đất liền trong năm 2017. Hiện, toàn tuyến Nam Trung Bộ, tất cả các sông đều đang ở mức báo động 3, diện tích ngập sâu nhiều điểm vượt ngưỡng lịch sử. Do đó, nguy cơ về mất an toàn hồ chứa, ngập lụt ven sông là đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình hồ chứa; tiếp tục rà soát, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt do nước sông dâng cao, xả lũ hồ chứa… Trong công tác khắc phục hậu quả, ưu tiên số 1 cho tu sửa hạ tầng nhà cửa, trường học, trạm xá…
Chia sẻ với thiệt hại mà người dân 9 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các cấp, toàn hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bọ, quyết liệt đề người dân không bị đói, bị rét, phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, để cuộc sống người dân sớm ổn định trở lại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng coi khắc phục hậu quả mưa lũ là nhiệm vụ đăc biệt quan trọng. Cụ thể như Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng các công tác huấn luyện để tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là hỗ trợ người dân khôi phục nhà cửa, hạ tầng giao thông… Cùng hỗ trợ của T.Ư, các tỉnh với tinh thần tự lực tự cường phát động người dân cố gắng khắc phục khó khăn. Đối với nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung khôi phục hệ thống điện. Bộ GTVT bảo đảm giao thông đi lại trên quốc lộ, tỉnh lộ. Đối với nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tập trung tìm kiếm người mất tích, giải quyết chế độ chính sách cho người bị nạn. Tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Thủ tướng cũng thông qua việc hỗ trợ gạo cho các tỉnh, ít nhất 500 tấn cho các tỉnh bị thiệt hại nặng, và từ 200 - 500 tấn đối với các tỉnh ít ảnh hưởng hơn. Các bộ thống kê, trình phương án hỗ trợ các địa phương chịu thiệt hại nặng. Trước mắt, Bộ Tài chính xem xét bố trí 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương. Trong những ngày tới, Bộ Y tế khẩn trương chu cấp cơ số thuốc cho các địa phương, tránh để sự cố xảy ra rồi mới khắc phục. Về lâu dài, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT để xuất nguồn vốn nâng cấp hồ chứa, giải quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, trình Thủ tướng xem xét. Các bộ tiếp tục cử cán bộ xuống chỉ đạo trực tiếp việc khắc phục hậu quả mưa lũ trên tinh thần khẩn trương, đi sâu đi sát, để người dân vùng lũ sớm trở lại cuộc sống bình thường. *Thống kê đến 17 giờ chiều 6/11, mưa lũ do bão số 12 gây thiệt hại hết sức nặng nề với ít nhất 46 người chết, 15 người hiện còn đang mất tích. 1.358 nhà sập, đổ. 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng. 1.286 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Diện tích lúa, hoa màu bị ngập gần 21.000ha, thiệt hại 24.435 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản…