Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm tháo gỡ và khơi thông nguồn vốn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 14/5, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 18, cho ý kiến vào báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Trong đó, vấn đề "gỡ khó" cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm.

Nền kinh tế còn nhiều rủi ro

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2013, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước - tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%), giá cả, thị trường ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh... Theo đó, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Tính bình quân, chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012.  

Sớm tháo gỡ và khơi thông nguồn vốn - Ảnh 1

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp.     Ảnh: TTXVN
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phiên họp sẽ cho ý kiến về Báo cáo tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Đây là việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, nên phải chuẩn bị thật chu đáo để thực hiện thật khách quan, công tâm trên cơ sở đánh giá phẩm chất đạo đức, chất lượng công vụ của các chức danh. Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quán triệt đầy đủ tinh thần cương lĩnh của Đảng, tinh thần làm chủ của nhân dân để hoàn thiện thêm một bước, trước khi đưa Dự thảo Hiến pháp ra Quốc hội thảo luận.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết. "Nếu các khó khăn không được xử lý, khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng. Cùng với việc nguồn vốn FDI không tăng và tín dụng cho nền kinh tế tăng rất thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự có sự cải thiện rõ rệt.

Tiết kiệm chi

Trước con số 15.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, tăng 14,6% so với quý I/2012, các thành viên UBTVQH cho rằng, phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Đồng thời cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp tác động đến chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Quan ngại trước tình hình thu chi ngân sách hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Mức huy động 5,5%, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ tăng thấp 1,44%, chứng tỏ sự hấp thụ vốn tín dụng rất yếu. Ngân hàng đang giữ một lượng tiền lớn và đang mất đi sự cân đối. Ông Hiển phân tích rằng, cứ tăng trưởng kinh tế 1% thì tăng trưởng tín dụng phải 3%. Nếu tăng trưởng cả năm 5,5% thì tăng trưởng tín dụng phải từ 14 - 15%. Vì vậy, ông Hiển đề nghị: "Một là tiết kiệm chi, hai là tháo nút bội chi. Đã đến lúc cần phải có giải pháp quyết liệt".

Các thành viên khác đề nghị Quốc hội phải rà soát lại, xem dự án nào phát huy tốt được thì làm, dự án nào còn xa thì phải dừng lại. Tránh đầu tư dàn trải, manh mún; triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo chung của Bộ Chính trị; tăng cường kỷ cương trong quản lý thu chi NSNN… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: Đến lúc chúng ta phải "đánh giá lại hiệu quả" từ các chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. 50% số doanh nghiệp còn lại đang hoạt động lại báo lỗ. Doanh nghiệp khó khăn dẫn tới nguồn thu ngân sách giảm, lao động và việc làm lại là thách thức, dẫn đến Nhà nước phải giải quyết vấn đề an sinh xã hội… Đây là những vấn đề phải được giải quyết cụ thể trong những tháng tiếp theo của năm 2013.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSNN năm 2012. Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu nộp NSNN không có điều kiện thi hành.