Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn Tây đẩy mạnh liên kết chuỗi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về trồng trọt, chăn nuôi, thị xã Sơn Tây đã và đang xây dựng, triển khai nhiều mô hình kinh tế nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, mang lại giá trị cao.

Ưu tiên sản phẩm lợi thế
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có khoảng 45 sản phẩm có lợi thế phát triển sản xuất thành hàng hóa kinh doanh, mỗi làng một sản phẩm (OCOP). Từ các sản phẩm hiện có, thị xã Sơn Tây đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể.
Trên cơ sở này, các xã, phường đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung xây dựng mô hình trồng trọt theo vùng, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt đến chăn nuôi.
 Mô hình nuôi gà Mía theo chuỗi liên kết ở Sơn Tây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, để các mô hình đạt được hiệu quả cao, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề nông trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về con giống, cây giống, vật tư. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa.
Ông Hà Văn Chiến, một hộ chăn nuôi gà Mía tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đang nuôi khoảng 5.000 con gà Mía với nhiều độ tuổi khác nhau. Đây là giống gà tương đối dễ nuôi, chỉ cần cho ăn đầy đủ bằng các loại thức ăn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ… Hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa hoặc nuôi các giống gà khác”.
Hỗ trợ DN liên kết sản xuất với nông dân
Đến nay, thị xã Sơn Tây đã xây dựng được một số mô hình, đề án mang lại hiệu quả cao như: Nuôi ong mật Kim Sơn; nuôi gà Mía Sơn Tây; mô hình trồng hoa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Viên Sơn; đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tại xã Kim Sơn; nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Mỹ...
Thị xã đã có 2 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao gồm mô hình liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía và mô hình liên kết nuôi ong lấy mật Kim Sơn.
Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình trên địa bàn thị xã còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như người dân vẫn còn lúng túng trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; một số hộ rất muốn chuyển đổi sản xuất nhưng không đủ quỹ đất, vấn đề chuyển nhượng đất nông nghiệp, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định…
Sản phẩm tuy phong phú, đa dạng nhưng phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được sản xuất tập trung theo chuỗi, chưa được quảng bá tiêu thụ chuyên sâu, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn còn rất hạn chế...
Mặt khác, sản xuất còn mang tính phong trào, thụ động, số hộ có tư duy đổi mới, sáng tạo còn ít, chưa khai thác được thế mạnh vùng nông thôn. Đa số sản phẩm ở dạng vật phẩm có sẵn hoặc sản phẩm được làm với công nghệ thô sơ, đơn giản, hoàn thiện sản phẩm chưa đi đôi với chất lượng và quản lý chất lượng nên khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường còn yếu, giá trị sản phẩm không cao.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo cho biết, thời gian tới, thị xã sẽ tập phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh theo chuỗi giá trị, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực hỗ trợ DN liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất.