Lo lắng… đến sợ hãi, có thật
Tử vong vì dịch bệnh Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đã lên đến 4 con số, mỗi ngày lại có thêm hàng trăm ca tử vong. Lại thêm người thân của bạn bè, quen biết, thậm chí những người mình từng biết, từng gặp, đã quen mắc Covid-19 ra đi mãi mãi. Mớ thông tin ấy đổ vào cái đầu nhỏ bé, lo lắng cho đến sợ hãi là có thật trong tôi. “Anh xem sao đường Nguyễn Phúc Nguyên, Lý Chính Thắng, ngay cái đầu hẻm vào nhà anh bị phong tỏa rồi?”, cậu em vừa đi công việc ngang qua ái ngại gọi điện thoại hỏi thăm. “Chắc là luồng xanh, khu vực chưa có ca nào nên cần bảo vệ”, tôi trả lời cậu em, mà cũng tự trấn an mình. Thú thật, tôi lo sợ cho gia đình mình, lo bà con xóm lao động nghèo “yếu thế” lắm bởi dịch bệnh đang càn quét rất mạnh qua TP.
Hẻm 252 Lý Chính Thắng, 66 Nguyễn Phúc Nguyên, P.9, Q.3, TP Hồ Chí Minh cách ly từ ngày 7/8. |
Điện thoại, tin nhắn biết bao người thân, bạn bè nơi xa có, gần cũng nhiều tới tấp hỏi sao tôi không “chạy dịch” rời Sài Gòn như bao đoàn người, xe tất tả túa về quê? Cố gắng phân trần, “ở đâu ở yên đó”, giờ ra đường là không chấp hành Chỉ thị của Chính phủ, rồi đủ kiểu lý giải, cho đến “ở yên trong nhà… để chấp hành nghiêm”, câu nói ấy phần nào làm tôi và nhiều người giải tỏa bớt tâm trạng căng như giây đàn hiện đó. Rồi nào công việc, thời gian về quê thăm mẹ được ít ngày, trong khi thời gian cách ly theo quy định (người từ TTp Hồ Chí Minh về)… tôi đành hẹn và hoãn, biết sao?
Tôi sinh ra ngoài Bắc, lớn lên ở miền Trung, từ ngày vào đại học rồi đi làm ở TP Hồ Chí Minh hơn hai mươi lăm năm qua, năm nào cũng về thăm mẹ già gần 90 tuổi rồi. Ấy vậy vì kẹt dịch, hoãn về thăm quê thăm mẹ đã nhiều lần lữa. Mẹ già ở một mình, luôn động viên thằng con trai phương xa: “Má khỏe, con yên tâm, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Rồi câu điện thoại đường xa từ Sài Gòn gọi ra Đà Nẵng, bà luôn chốt lại: “Má không sao”. Cái “không sao” của bà, tôi biết, bà nhớ con, nhớ cháu nhiều lắm (năm ngoái đến nay chưa về), bà sống một mình buồn khôn tả… Và, biết bao nhiêu là cái “không sao” của bà để tự mình bà vượt qua, thật mạnh mẽ kiên cường, tôi nghĩ mẹ mình vậy. Giờ ngoài ấy, TP Đà Nẵng cũng đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Mẹ già tôi cũng đang thực hiện nghiêm ở trong nhà, bà bảo tôi qua điện thoại vừa tối qua: “Tốt cho mình, giữ gìn cho người khác con ạ”.
Bình tâm, vượt qua… sợ hãi
Trong hoàn cảnh của tôi, gia đình mình sống trong khu vực đang cách ly, đóng cửa nằm im trong nhà, sao không hoang mang lo lắng được? Nào thì sợ đủ thứ, luồng gió xộc đâu đó vào nhà cũng ái ngại hoang mang. Có lẽ những người có thần kinh thép, không biết sợ chăng? Còn tôi, tự an ủi mình là “con cọp” (tuổi cọp) sợ gì? Biết bao ngổn ngang, lúc này nói tôi không sợ là không thành thật, nói “xạo”, ừa thì sợ, rồi tự bình tâm, bình tĩnh đối đầu! Đúng, nếu thời gian này mà sợ, lo lắng thái quá rất dễ dẫn đến gục ngã?
Trước đây, cả TP đang giãn cách xã hội, nhiều ngày rồi, hạn chế ra đường không lý do chính đáng. Tuy là vậy nhưng tôi và mọi người dân tromg xóm vẫn đi ra ngoài khi cần, chứng kiến đường phố vắng dần… cho đến 8 giờ ngày 7/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh quyết định phong tỏa cách ly tạm thời toàn bộ khu vực hẻm 252 Lý Chính Thắng, trong đó thực hiện chốt chặn hẻm 252 Lý Chính Thắng, 58 và 66 Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh, vì lý do có 4 hộ gia đình phát hiện nghi nhiễm Covid-19. Khu vực phong tỏa này với 51 nhà, 256 nhân khẩu (trong đó có nhà tôi). Nhiều người nhiễm thành F0 được cơ quan chức năng gấp rút đưa đi chữa trị, rồi cũng có F… do biểu hiện bệnh nhẹ, tự ở nhà cách ly điều trị theo hướng dẫn yêu cầu của y tế. Xóm tôi ở sao không lo lắng được? Rồi thấy những anh chị mặc quần áo kín mít như “du hành vũ trụ” đến hẻm nghèo nhà tôi thực hiện test mẫu người dân. Xóm lao động gần Ga Sài Gòn lại thêm lắm lo âu vì dịch bệnh.
Nằm trong nhà, nhìn qua camera dõi ra đường hẻm, thấy anh Hải - Tổ phó Tổ dân phố 62, Khu phố 5, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh lái xe gắn máy ra đầu hẻm 252 Lý Chính Thắng để chở gạo và rau củ về. Hỏi qua điện thoại, anh Hải cho biết: “Gạo với đồ thực phẩm do mấy chị làm trên UBND phường nhờ mang về phân chia rồi gửi biếu bà con đang khó khăn trong khu vực phong tỏa”. Đang đói cồn cào, sáng húp mì gói, chiều qua loa gì đó cho xong bữa, hay trưa nhiều lúc cũng bỏ luôn, tôi chợt nhận ra, “Ủa sao anh tổ phó này dũng cảm vậy, vẫn lao ra ngoài đường mang gạo, thực phẩm đến từng nhà?”. Anh Hải cho biết thêm: “Giờ ra đường cũng ngại, nhưng vì mọi người, vì bà con, bữa làm trên công ty được chích ngừa rồi cũng bớt lo hơn phần nào”.
Vỉ trứng, bao gạo, thùng mì gói, trái đủ đủ, ít rau, rồi chanh trái, gừng, xả cây… đến với từng nhà trong hẻm 252 Lý Chính Thắng, 58 và 66 Nguyễn Phúc Nguyên lúc này thật ấm lòng bà con đang sống trong khu vực cách ly phong tỏa vì dịch Covid-19. Gói quà lúc nào cũng được để ngay ngắn trước cổng hay cửa nhà người dân, người mang đến cũng lẳng lặng rời đi, nhiều khi chủ nhà không hay biết, đến lúc hàng xóm thấy mà ới nhau qua điện thoại. Nhận túi quà trong hoàn cảnh thời khắc này, tôi thấy cay ở mắt, xúc động chỉ biết nói lời cảm ơn bâng quơ vào hư không rồi lặng lẽ trở vào.
Những ngày qua sống trong khu vực đang phong tỏa cách ly, tôi thấy mình phải thật vững tâm, mạnh mẽ lên thật nhiều, thực hiện thật nghiêm các chỉ thị, yêu cầu của các nhà chức trách, để mà cả xóm cùng nhau vượt qua phong tỏa, vượt qua khó khăn chống chọi với dịch bệnh. Xóm tôi đang cách ly, nhưng không hề cách lòng và cũng không hề cách trở. Các đoàn thể vẫn “vượt rào” cách ly mang đến với bà con nắm gạo, bó rau, gói mì… tuy ít mà giàu tình giàu nghĩa.
Xóm tôi ở tuy nghèo mà giàu lòng nhân ái, xích lại gần nhau như chưa bao giờ thân thiết đến thế! Mọi người hỏi thăm, động viên nhau cùng vượt khó, qua nhóm Zalo “Hẻm 252” (vừa mới chào đời sau ngày quyết định cách ly). Dù cách ly hay dịch bệnh, cũng đều là hữu hạn, xóm tôi luôn động viên vậy, để quyết vượt qua khó khăn này sớm nhất.