KTĐT - Mỗi lần Oanh nhờ chồng chơi với con một chút thì 5-10 phút sau, anh đã í ới gọi vợ. “Bảo làm việc nọ, việc kia cho con thì anh ấy cũng ‘Mệt lắm’. Việc nhà toàn một tay mình làm, đến việc ngồi giữ con cũng mệt. Chẳng có tý trách nhiệm làm bố nào” – Oanh than tiếp.
Bận việc gấp, con trai 10 tháng đang ốm gửi bên ông bà ngoại, Phương gọi điện cho chồng tan giờ làm thì sang trông con.
Nửa tiếng sau, sợ chồng quên, Phương gọi điện nhắc nhở, chồng đáp: “Đang ở bãi lấy xe, chuẩn bị sang”. Lát sau, Phương gọi điện tiếp hỏi tình hình của con, chồng ậm ừ: “Nó hết sốt rồi, đang chơi với ông ngoại”. Phương vặn vẹo một lúc thì thấy chồng ngắc ngứ rồi tỏ ý khó chịu vì bị gọi nhiều. Không yên tâm, Phương gọi vào máy điện thoại bàn cho bà ngoại mới tá hỏa bởi vì chồng chưa sang.
“Điên tiết”, Phương tức tốc bỏ dở việc, chạy về với con. Cô gọi điện tiếp thì chồng dửng dưng: “Mệt, đang nằm nghỉ ở nhà” rồi cụp máy. Ôm con về nhà, thấy chồng nằm vắt vẻo xem tivi, bếp nước nguội ngắt, Phương “ca” cho chồng một bài về tội lừa dối, vô trách nhiệm, con ốm đau cũng chẳng màng tới. Chồng chây lười việc nhà, ham mê nhậu nhẹt, Phương còn nhịn được, đằng này, ngay cả khi con ốm, nhờ chồng trông nom một chút cũng không xong. Ngán cảnh chồng không biết chăm con là gì, đến cái bỉm cũng không biết thay cho con... nhiều lần Phương chỉ muốn “cưa đôi đường” cho nhẹ.
Cùng cảnh với Phương, Oanh (Cầu Diễn, Hà Nội) vẫn ấm ức vì mấy ngày con ốm, chồng cô đi chơi không sót một buổi nào. “Bình thường đã đi chơi suốt, đến khi con ốm, chồng mình cũng không thể bỏ một buổi chơi để ở nhà vì con. Chẳng biết anh ấy nghĩ gì nữa? Mình chẳng thấy chồng mình đáng mặt làm bố” – Oanh tâm sự.
Mỗi lần Oanh nhờ chồng chơi với con một chút thì 5-10 phút sau, anh đã í ới gọi vợ. “Bảo làm việc nọ, việc kia cho con thì anh ấy cũng ‘Mệt lắm’. Việc nhà toàn một tay mình làm, đến việc ngồi giữ con cũng mệt. Chẳng có tý trách nhiệm làm bố nào” – Oanh than tiếp.
Có lần, Oanh bận chăm mẹ chồng nằm viện, bảo hai bố con ở nhà một buổi sáng. Đến trưa về, Oanh hoảng hốt vì nhà cửa bề bộn, nồng nạc mùi nước tiểu của con, không còn chỗ trống nào mà đặt chân xuống. “Đến mấy cái quần tè bẩn của con, anh ấy cũng không biết đường cho vào chậu. Chán chồng không để đâu hết” – Oanh phàn nàn.
Sống chung với chồng "tuổi ăn tuổi chơi"
Những anh chồng ít trách nhiệm với gia đình vẫn có thể chữa được nếu “dùng thuốc đúng liều”:
- Thứ nhất vì chồng đang “tuổi ăn tuổi chơi” nên giao việc để chồng thấy vui mà làm. Ban đầu, có thể nhờ bế con một tẹo, cùng giúp vợ xỏ một cái tất cho con. Dần dần tăng lên những việc khó.
- Đừng gắng làm hết sức mình để rồi ôm lấy bực dọc. Ngoài chồng, có thể san sẻ việc nhà với ông bà và những thành viên trong nhà chồng, có người giúp việc nữa thì càng tốt. Làm nhiều, cộng thêm tức chồng thì càng sớm suy kiệt về cả thể chất lẫn tinh thần.
- Không quy chụp: “Anh không đáng mặt làm bố” rồi cách ly con với bố hoặc ôm con về ông bà ngoại để chồng... ăn năn. Ăn năn đâu chưa thấy, chỉ biết chồng càng rảnh rang chơi bời và càng vô trách nhiệm hơn.
Tâm lý của người vợ là muốn chồng phải có trách nhiệm với con. Cái kiểu con ốm mà không lời hỏi han, con sốt mà vẫn đi chơi, bảo mua thuốc cho con, đưa con đi khám thì chống đối... khiến chị em hụt hẫng, ấm ức. Thực ra, việc chăm con luôn được đàn ông mặc định là của phụ nữ. Nếu sống cùng ông bà thì khi con ốm, các anh chồng kiểu này càng không bận tâm vì ỷ lại vào vợ, vào ông bà... Chính suy nghĩ này khiến chồng ít tham gia vào việc vui chơi, chăm sóc con.
Nói chung để chồng “lớn lên” thì cần kiên trì, khôn khéo, tránh cả giận mất khôn. Cần khơi dậy trách nhiệm làm cha trong chồng từ từ mới mong thành công.