"Phương châm phòng, chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”. - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam "Mặc dù dịch cơ bản đã kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ do số lượng người từ các tỉnh, TP khác về Hà Nội đông. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là; tiếp tục xác định phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, thường xuyên, liên tục. Hiện TP đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để đưa các hoạt động được trở lại bình thường nhưng cần phải sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch có thể xảy ra tiếp. Đồng thời cần phải duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động các biện pháp an toàn để sống chung với dịch." - Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn |
Sống chung với đại dịch Covid-19
Kinhtedothi - Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia đang nỗ lực tiêm chủng vaccine nhưng chưa đạt được mức miễn dịch cộng đồng.
Tại Việt Nam hiện đang trải qua làn sóng dịch lần thứ tư và khó dự đoán thời điểm chấm dứt Covid-19. Sau gần 2 năm chống dịch, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng, cần phải tạo tâm thế sống chung với dịch, trong đó phủ sóng vaccine và tuân thủ 5K là điều kiện tiên quyết.Dịch Covid-19 lan ra 50 tỉnh, thành phốLàn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang bùng phát tại nhiều địa phương với nhiều khác biệt so với các đợt dịch trước đây. Số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh, nhiều biến chủng mới xuất hiện, đặc biệt, nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Nhiều ý kiến cho rằng, khi dịch bệnh đã lây lan rộng ra hàng trăm người mắc mỗi ngày như hiện nay, việc xác định dịch tễ của các ca F0 là quan trọng nhưng cũng là việc khó làm. Cùng với xu thế của thế giới, Việt Nam phải chấp nhận sống chung với dịch.
Trước đó, đợt bùng phát dịch đầu tiên là do những người đến từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) hoặc từ Vũ Hán trở về nước gây ra. Đợt bùng phát dịch thứ hai do những người từ châu Âu trở về nước. Đợt dịch lần thứ ba xuất phát tại Đà Nẵng, từ ca mắc tại bệnh viện và không rõ nguồn lây. Dịch bùng lên rồi sớm dập tắt. Còn đợt dịch lần này, ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 27/4/2021, trải qua hơn 2 tháng và chưa có dấu hiệu chững lại. Hiện dịch đã lan ra 50 tỉnh, TP. Tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 13.000 người mắc Covid-19. Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định là 2 địa phương mới nhất phát hiện bệnh nhân đầu tiên.Riêng TP Hồ Chí Minh số ca mắc mới liên tục tăng và dự báo vẫn chưa chạm đến đỉnh dịch. Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, so với giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn. Hiện có 68% bệnh nhân Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng, chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng. Lý giải vấn đề này, ông Dũng cho biết, virus SARS-CoV-2 sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái. Trạng thái đầu tiên là độc lực gia tăng, trạng thái tiếp theo là độc lực sẽ giảm. Khi độc lực của SARS-CoV-2 giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. “Vì vậy, có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ”. Ông Dũng đề xuất thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm. Tuy nhiên, theo ông Dũng, giai đoạn tiếp theo, TP Hồ Chí Minh cần tính đến giải pháp sống chung với dịch. Còn hiện tại, ngành y vẫn cần truy vết, xử lý dịch với tốc độ nhanh nhất.Còn theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong đợt dịch này khoảng 60% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Điều này gây khó khăn cho truy vết, sàng lọc, trong khi thời gian ủ bệnh kéo dài 21 ngày.Chủ động sống chung với dịchTheo các chuyên gia y tế, tình hình dịch Covid-19 lan rộng trong cộng đồng không phải là điều bất ngờ, tất cả đều đã được dự báo trước. Ngay cả ở những quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ, số ca bệnh mới vẫn tăng cao, tuy nhiên, số bệnh nhân nặng và tử vong giảm hẳn. Bởi vậy, các quốc gia đều chấp nhận sống chung với dịch cùng với chiến dịch vaccine.Trong thời gian tới, ngoài các biến chủng đã được phát hiện, không loại trừ có thêm những biến thể mới, bởi lẽ, virus càng lây nhiều thì càng có khả năng xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể đó có thể nguy hiểm hơn và có khả năng kháng những vaccine hiện nay. Theo một nghiên cứu của Scotland, những người nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi người nhiễm biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh). Vaccine có hiệu quả cao với biến thể Delta nhưng nguy cơ đối với hệ thống y tế vẫn có thể tăng lên nếu xuất hiện những biến thể mạnh hơn. Do đó, việc giảm số ca nhiễm về 0 sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần, ngay ở cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Nhưng vaccine sẽ là biện pháp bảo vệ cộng đồng không rơi vào biến chứng nặng.Tại Việt Nam, cuộc chiến chống dịch vẫn đang vô cùng cam go, gian khổ và mất nhiều thời gian hơn. Với tình trạng dịch lây lan như hiện nay, cuộc chiến có thể kéo dài một vài tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa. Trong lúc đó, chúng ta vẫn phải duy trì cuộc sống trong trạng thái bình thường mới và tiếp tục phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện "mục tiêu kép".Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch này có nguy cơ kéo dài hơn các đợt dịch lần trước, không có xu hướng giảm sớm như Đà Nẵng hay Hải Dương. Do vậy, các địa phương cần đặt công tác phòng, chống dịch trong trạng thái báo động cao nhất và quyết liệt nhất. Chấp nhận sống chung với dịch nhưng phải tuân thủ 5K và các biện pháp chống dịch khác.Để phù hợp với tình hình đặc biệt do dịch Covid-19 gây ra, trong đời sống xã hội, nhiều hoạt động, thói quen đã được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Mọi người dân cần phải thích ứng như việc đeo khẩu trang, giữa khoảng cách, thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, làm việc, học tập online…
Ngoài ra, chiến dịch vaccine vẫn là điều mà người dân mong đợi nhất. Căn cứ vào kế hoạch tiêm vaccine quốc gia, nếu có đủ vaccine như Bộ Y tế cam kết, cuối năm nay đạt được miễn dịch cộng đồng, người dân mới có thể an tâm sống chung với dịch.