“Nếu như 10 năm về trước, tỷ lệ phân lưu nước từ sông Hồng qua sông Đuống chưa đến 30%, thì hiện nay con số này đã lên tới trên 40%. Sự thay đổi này đến từ việc lòng dẫn sông Đuống bị hạ thấp, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng khai thác cát trái phép. Kéo theo đó, mực nước trên sông Hồng cũng bị sụt giảm nghiêm trọng…” – Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam) Hoàng Xuân Hồng “Để phục vụ công tác chống hạn vụ Xuân hàng năm, trung bình mỗi ngày các hồ chứa thủy điện phải xả lưu lượng khoảng 280 triệu mét khối nước. Theo tính toán, khi xả 1m3 nước, ngành điện lực sẽ mất đi 330 đồng. Điều này đồng nghĩa, mỗi ngày xả nước phục vụ sản xuất vụ Xuân, ngành điện lực sẽ thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng…” – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Vũ Xuân Khu |
Sông Hồng kêu cứu
Kinhtedothi - Khoảng 10 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp.
Việc “dòng sông mẹ” ngày càng khô cạn bên cạnh nguyên nhân từ sự suy giảm dòng chảy thượng nguồn, còn bởi tình trạng khai thác cát quá mức. Không chỉ ảnh hưởng tới an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, điều này còn tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của cư dân ven sông. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cần giải pháp gì để sông Hồng lại nặng đỏ phù sa, dồi dào con nước?
Bài 1: Sông “cạn” và hệ lụy khôn lường
Với diện tích đất canh tác nông nghiệp lên tới hàng chục ngàn héc-ta, nhu cầu nước phục vụ sản xuất của Hà Nội rất lớn. Nguồn nước này lại phụ thuộc chủ yếu vào sông Hồng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc lấy nước từ sông Hồng phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào vụ Xuân. Không chỉ vậy, nhiều diện tích canh tác bãi bồi ven sông còn bị sạt lở nghiêm trọng, hệ thống đê điều cũng hư hỏng ngày một nặng hơn.
Gian nan chống hạn
Vụ Xuân những năm gần đây, Hà Nội canh tác trung bình 91.000ha, chiếm khoảng 1/6 tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân của 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có tổ chức lấy nước chống hạn. Tuy nhiên, Hà Nội lại luôn là địa phương cuối cùng lấy đủ nước sản xuất!
Nguyên nhân được ngành thủy lợi chỉ ra là do mực nước sông Hồng những năm qua đạt thấp, khiến nhiều trạm bơm như Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Thanh Điềm (huyện Mê Linh), Đan Hoài (huyện Đan Phượng)… không thể vận hành lấy nước. Công tác chống hạn của Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào năng lực vận hành của 67 trạm bơm dã chiến.
Dẫn chứng cụ thể được Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích) Ngô Thanh Minh đưa ra: Trong 3 đợt lấy nước vụ Xuân 2019, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt cao nhất là +4,26m; trong khi, trạm bơm Phù Sa chỉ có thể vận hành khi mực nước ở mức… +5,2m. Vì thế, việc lấy nước sản xuất cho 6.000ha thuộc các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây phải trông cả vào các tổ máy bơm dã chiến.
Mực nước thấp không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất vụ Xuân của Hà Nội nói riêng, khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, mà còn gây thất thoát ngày một lớn nguồn tài nguyên nước của các nhà máy thủy điện ở thượng lưu. C
ụ thể, thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, nếu như năm 2008, các hồ chứa thủy điện như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, chỉ phải xả 2,5 tỷ mét khối nước là tất cả các trạm bơm dọc sông Hồng có thể lấy được nước, thì đến năm 2018, lưu lượng xả tăng lên con số kỷ lục là 5,74 tỷ mét khối. Năm 2019, con số này có giảm, nhưng vẫn ở mức 4,42 tỷ mét khối. Song, nhiều trạm bơm ven sông Hồng vẫn không thể vận hành lấy nước.
Thấp thỏm nỗi lo sạt lở
Chưa vơi nỗi lo chống hạn, hàng chục vạn cư dân ven sông, nhất là tại hai tuyến sông Hồng, sông Đuống còn đang phải thấp thỏm sống trong nỗi lo sợ từ tình trạng sạt lở với mức độ ngày một nghiêm trọng hơn.
Men theo đường đê, chúng tôi tìm về xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Đang là giữa vụ Mùa, những diện tích canh tác bãi bồi phủ một màu xanh mát. Ông Nguyễn Hữu Tuyển ở thôn Yên Hà dừng tay, chỉ về phía sông Hồng bảo, trước đây đất canh tác của gia đình ông và các hộ khác ra đến gần giữa sông.
Mấy năm gần đây, mực nước sông Hồng lên xuống thất thường khiến đất bãi bị sụt sạt; riêng gia đình ông đã mất hơn 2 sào. Cũng tại huyện Đông Anh, thống kê của UBND xã Đông Hội cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến hết sức phức tạp. Mỗi năm lòng sông lấn vào đất bãi bờ hàng chục mét. Tính từ năm 1995 đến nay, gần 5ha đất ven sông của bà con nơi đây đã bị cuốn trôi.
Nhưng nỗi lo sạt lở chưa dừng lại ở đó. Lòng dẫn sông Đuống – một phần lưu của sông Hồng cũng bị hạ thấp khiến tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng. Trên cánh đồng Bãi Soi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lập, thôn Đổng Xuyên (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) khẩn trương thu hoạch rau an toàn trên diện tích khoảng 3 sào.
Một năm gia đình chị trồng luân canh từ 6 – 8 vụ, trừ vốn đầu tư, cũng lời lãi trên dưới 100 triệu đồng. Nhưng khi được hỏi, cả hai đều tỏ ra rất tâm tư. Chị Lập chỉ tay về phía bờ bãi bị sụt sạt dốc cao đến 4 – 5m, nơi vẫn còn những luống rau chưa kịp thu hoạch bị cuốn xuống lòng sông, bảo: Nước sông cạn trong vài năm gần đây đã khiến gần 100m2 đất canh tác của gia đình bị cuốn trôi.
Nhưng không chỉ hộ chị Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Nguyễn Ánh Quang cho biết, có khoảng 300 hộ dân canh tác dọc chiều dài hơn 1.000m ven sông đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở. Mỗi hộ đến nay đã mất trung bình từ 30 – 50m2 đất. Nguồn kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương, việc mực nước sông Hồng, sông Đuống lên xuống thất thường là nguyên nhân gây bào xói chân bãi bờ. Mặt khác, địa chất bãi sông là đất cát pha, kết hợp nước mặt chảy tập trung trên mặt bãi nên khi mực nước sông Hồng, sông Đuống hạ thấp, đất bãi sông mất ổn định và gây nên tình trạng sạt lở liên tục, cục bộ tại nhiều khúc sông.
Đến nỗi lo an toàn đê điều
Những bãi bờ sạt lở đã không còn dừng ở mức độ nguy cơ. Nhưng điều đáng quan ngại hơn còn là an toàn của hệ thống đê điều bảo vệ Thủ đô trong mùa mưa bão, mà nguyên nhân có liên quan trực tiếp đến tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, cũng như hoạt động của xe quá tải chạy trên các tuyến đê, nhất là đê sông Hồng.
Ghi nhận thực tế tại tuyến đê tả Hồng đoạn qua địa phận huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm cho thấy, xe quá tải chở cát, sỏi chạy ầm ầm trên đê. Nhiều người dân sống ven đê thuộc các xã Hải Bối, Võng La, Vĩnh Ngọc (quận Đông Anh); các phường Liên Mạc, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, xe quá tải ra vào các bến bãi tập kết khoáng sản bất kể ngày đêm. Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân, tình trạng này còn khiến mặt đê bị nứt vỡ nghiêm trọng. Đáng lo ngại, khi tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép hiện vẫn diễn ra hết sức phức tạp và chưa thể xử lý dứt điểm.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội mới đây cho thấy, dọc các tuyến sông trên địa bàn TP hiện có tổng cộng 188 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động, tập trung nhiều nhất ven sông Hồng với 132 bãi. Tuy nhiên, chỉ có 35 bãi có giấy phép và hoạt động đúng giấy phép, còn lại các bến bãi đều hoạt động không phép và trái phép. 72/188 bãi hiện có hoạt động của xe quá tải.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn nằm trong tuyến thoát lũ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê, kè, bờ sông; tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ bãi sông, công trình bảo vệ bờ và ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê còn làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều. Ông Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của TP tổ chức xử lý, giải tỏa các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, tuy nhiên, nhiều năm nay các trường hợp hoạt động không có giấy phép vẫn tồn tại và chưa thể xử lý dứt điểm.
(Còn nữa)