Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sông ngòi cạn kiệt, nguy cơ hạn nặng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều hộ dân sinh sống ven sông Hồng khổ sở vì thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, tàu thuyền vất vả lưu thông, vì sông cạn trơ đáy. Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có mực nước thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

KTĐT - Nhiều hộ dân sinh sống ven sông Hồng khổ sở vì thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, tàu thuyền vất vả lưu thông, vì sông cạn trơ đáy. Trong khi đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có mực nước thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Sông Hồng trơ đáy, nhiều tàu thuyền mắc cạn (ảnh chụp  7h sáng 1-11)                                                 	Ảnh: Minh Đức
Sông Hồng trơ đáy, nhiều tàu thuyền mắc cạn
(ảnh chụp 7h sáng 1-11). Ảnh: Minh Đức.

Sông Hồng khát khô

Trong suốt hai tháng qua, ở Bắc bộ nhiều nơi không có giọt mưa nào hoặc có mưa nhưng lượng mưa rất thấp, phân bố không đồng đều, khiến lưu lượng dòng chảy ở thượng nguồn sông Lô, sông Thao, sông Đà đều đạt ở mức thấp.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều khu vực như bãi đá phường Tứ Liên (Tây Hồ) chân cầu Long Biên, Chương Dương (Long Biên), Thanh Trì (Thanh Trì) đều cạn trơ đáy. Mực nước sông xuống quá nhanh, nhiều tàu thuyền chỉ sau 1 đêm đã nằm phơi mình trên cát, phải nhờ đến các tàu hút cát tạo luồng mới lưu thông được. Người dân ven sông Hồng khốn khổ vì phải đi hàng cây số mới múc được thùng nước để tưới tắm cho hoa màu.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, trong tháng 11, sẽ làm việc với EVN để lên kế hoạch chi tiết lịch phát điện xả nước ở các hồ thủy điện, để các địa phương hạ du bơm, tích trữ nước. Bộ này cũng lên kế hoạch đề xuất Chính phủ hỗ trợ các tỉnh có nguy cơ hạn nặng. 

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định: Thông thường hết tháng 10 mới hết mưa ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa ở miền Bắc ít, mùa mưa kết thúc sớm, khiến nhiều con sông chưa kết thúc mùa mưa đã hết nước.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), khoảng 650 nghìn ha lúa đông xuân 2010-2011 ở đồng bằng sông Hồng có nguy cơ thiếu nước do lượng mưa ít, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi không tích đủ dung tích thiết kế.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện, cả 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã tích được trên 5,5 tỷ m3/9,8 tỷ m3 dung tích thiết kế, hồ Sơn La đã tích được 3,5 tỷ m3. Do vậy, theo ông Đặng Duy Hiển (Vụ Quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi) riêng trên sông Hồng, mực nước và lưu lượng nước vẫn thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10 năm nay, mực nước sông Hồng tại Hà Nội bình quân chỉ cao 2,85m, lúc cao nhất chỉ đạt 3,88 m, trong khi, mức bình quân các năm trước đạt 2,91 m.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân tới, đồng bằng Bắc bộ sẽ gieo cây khoảng 650 nghìn ha lúa. Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn nước những tháng cuối năm có thể ảnh hưởng nặng nề tới vụ đông xuân, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh, thành phía Bắc, tùy điều kiện thực tế của địa phương để bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng hợp lý.

Mực nước thấp nhất trong 30 năm

Để đối phó tình hình hạn hán, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, chỉ đạo việc triển khai sản xuất vụ lúa đông xuân 2010 - 2011 ở Nam bộ.

Ông Bổng nhận định: Do mực nước sông và mực nước nội đồng mùa lũ 2010 ở Nam bộ thấp nhất trong vòng 30 năm qua, vụ lúa đông xuân 2010 - 2011 ở Nam bộ sẽ phải đối mặt với tình hình thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán nặng, đồng thời nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội đồng.

Để né hạn, mặn cuối vụ, cần tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11 đạt khoảng 60%, diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12, toàn vùng hoàn thành gieo sạ trước 30 - 12.