Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sông Thiên Đức đang… ngắc ngoải!

Bài, ảnh: Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sông Thiên Đức nằm ở khu Bắc Đuống của huyện Gia Lâm, giáp ranh địa phận huyện Đông Anh và Gia Lâm.

 Dòng sông bắt nguồn từ đầm Ái Mộ, xã Yên Viên, kéo dài đến tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia, con sông này có vai trò rất quan trọng, vừa làm đường giao thông vừa để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Gần đây, do bị ô nhiễm nghiêm trọng, sông Thiên Đức đang trong tình trạng ngắc ngoải…
Sông chết
Sông Thiên Đức có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Theo phản ánh của nhiều người dân, sông Thiên Đức trước kia rộng và sâu, muốn sang sông phải dùng thuyền. Tuy nhiên hiện nay, sông Thiên Đức đang chết dần theo đúng nghĩa vì cửa sông đã bị chặn lại bởi QL3. Khó có thể nhận ra cửa sông ngày nào vì đã bị nhà cửa, hàng quán bịt lối, cái còn lại chỉ là một miệng cống đen ngòm bốc mùi hôi thối.
 Sông Thiên Đức là nơi... tiếp nhận rác thải.
Hiện tại, đoạn cửa sông cũ chỉ còn 1 rãnh nước đen ngòm, xung quanh là bãi phế thải, trạm thu gom rác suốt ngày bốc mùi xú uế nồng nặc. Đi dọc theo hai bên bờ, (thuộc địa phận thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm) và một phần (thuộc xã Yên Thường, xã Yên Viên) không khó để nhận ra sông Thiên Đức đã bị "gặm nhấm" bởi các loại rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng đổ tràn ngập.
Thoát khỏi khu dân cư, dòng Thiên Đức cũng chẳng… khá hơn, bởi qua hàng thế kỷ bị bồi lắng, đến nay sông chỉ là 1 cái rãnh tù đọng, đầy rác và hôi thối. Theo bà Lê Thị Hướng ở thôn Lã Côi (xã Yên Viên), sông Thiên Đức bị ô nhiễm như ngày nay là do nước thải sinh hoạt, phế thải từ hầm biogas của hàng nghìn hộ dân của cả vùng Bắc Đuống, đều đổ xuống.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Kỷ - Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết: Sông Thiên Đức "lãnh đủ" nước thải sinh hoạt của người dân các xã như Mai Lâm, Yên Viên, Yên Thường, Ninh Hiệp… Ngoài ra, các đơn vị như Công ty Vật tư Bưu điện, Công ty Cơ khí và Xây lắp, Công ty Vật tư khoáng sản địa chất... đã cho một số DN thuê mặt bằng sản xuất giấy, quặng…đều đổ chất thải trực tiếp ra dòng sông. Nên dòng sông phục vụ tưới tiêu ngày nào nay đã bị ô nhiễm trầm trọng và trở thành dòng sông chết.
Cải tạo, xử lý ô nhiễm - ngoài “tầm” địa phương
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Văn Kỷ, những năm gần đây, người dân đã kiến nghị lên chính quyền xã, huyện nhiều lần về tình trạng ô nhiễm của sông Thiên Đức, nhưng việc cải tạo con sông này là ngoài tầm của xã và huyện. “Muốn cải thiện tình trạng ô nhiễm của sông Thiên Đức, trước mắt cần phải kè toàn bộ 2 bờ, nạo vét lòng sông, giải tỏa những trường hợp lấn chiếm; dẹp các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn” - ông Kỷ đề xuất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực cửa sông, đang tồn tại hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp như giấy, composit, sắt thép… ngày đêm đầu độc bầu không khí và nước thải của các cơ sở này đều đổ trực tiếp ra sông Thiên Đức. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ông Trần Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thường cho rằng các cơ sở sản xuất (gây ô nhiễm như người dân phản ánh) thuộc địa bàn xã Yên Viên. Nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kỷ (Chủ tịch UBND xã Yên Viên) lại nói những cơ sở xả thải ra sông Thiên Đức chủ yếu nằm trên địa bàn 2 xã Yên Thường và Mai Lâm. "Trên địa bàn Yên Viên, chỉ duy nhất có Công ty Hải Nam (sản xuất ván ép) nhưng… không xả thải nhiều" - ông Kỷ khẳng định…
Là một dòng sông đã gắn liền với lịch sử nước ta từ thời Nhà Lý, lẽ nào chính quyền các cấp lại để Thiên Đức chỉ còn tồn tại trong ký ức? Câu hỏi này rất cần lời giải đáp từ các ngành chức năng của TP.