Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

S&P 500 tiến sát ngưỡng cao nhất mọi thời đại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà phân tích cho biết thị trường chứng khoán tăng điểm, sau khi Mỹ công bố những số liệu trái chiều. Trong tháng 2/2013, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng mạnh, chủ yếu nhờ các đơn đặt hàng máy bay.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 26/3 nhờ vào những số liệu kinh tế lạc quan, trong đó Dow Jones lập kỷ lục điểm mới, S&P 500 tiến sát ngưỡng cao nhất mọi thời đại.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 7,1%, xuống còn 12,77 điểm. Đây là tín hiệu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã ổn định dần trở lại.

Giới phân tích cho rằng, những số liệu trên đủ để thuyết phục nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng và ở thời điểm này, khó có gì có thể làm kinh tế Mỹ trật hướng. Điều đó càng thúc đẩy nhà đầu tư tin tưởng vào việc thu nạp thêm các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tăng trưởng.

Chính sự tin tưởng này đã giúp chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm qua tăng hơn 100 điểm lên mốc cao kỷ lục mới. Dow Jones đã vượt qua ngưỡng cao kỷ lục hôm 5/3 và từ đó tới nay đã lập nhiều kỷ lục mới. Cùng với đó, S&P 500 thu hẹp khoảng cách tới mốc cao nhất mọi thời đại.

S&P 500 tiến sát ngưỡng cao nhất mọi thời đại - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Chốt phiên, các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm, trong đó chỉ số Dow Jones lập kỷ lục mới. Chốt phiên 26/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 111,90 điểm (0,77%) lên 14.559,65 điểm, phá vỡ mức đỉnh hôm 14/3; chỉ số S&P 500 tăng 12,08 điểm (0,78%) lên 1.563,77 điểm, gần mức cao kỷ lục 1.565,15 điểm.

Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 17,18 điểm (0,53%) lên 3.252,48 điểm.

Các nhà phân tích cho biết thị trường chứng khoán tăng điểm, sau khi Mỹ công bố những số liệu trái chiều. Trong tháng 2/2013, số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng mạnh, chủ yếu nhờ các đơn đặt hàng máy bay.

Chỉ số giá nhà đất S&P/Case-Shiller cho thấy giá bất động sản tại 20 thành phố lớn đã tăng 8,1%, mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 2006. Tuy nhiên, chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm 8,3 điểm xuống 59,7 điểm, trước mối lo ngại về việc ngân sách liên bang bị cắt giảm.

Phiên này, cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay Boeing tăng 2,1%, sau khi hãng này thông báo chuyến bay thử đầu tiên của máy bay 787 đã diễn ra đúng như kế hoạch.

Cổ phiếu của hãng sản xuất chip Intel cũng tăng 2,9% nhờ báo cáo cho thấy cuộc đàm phán giữa Intel và các công ty giải trí về việc cung cấp dịch vụ TV trực tuyến đã có những tiến triển.

Theo sau đà đi lên của chứng khoán Phố Wall đêm trước, sáng 27/3, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương mở cửa xanh sàn.

Tại Nhật Bản, đầu phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại TTCK Tokyo tăng 22,80 điểm (0,18%) lên 12.494,42 điểm.

Theo chiến lược gia Hideyuki Ishiguro, thuộc Okasan Securities, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm trong bối cảnh mối lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính tại Cộng hòa Síp được xoa dịu.

Sáng 25/3, Cộng hòa Síp đã đạt thỏa thuận vào phút chót với bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro.

Thỏa thuận này đạt được sau 12 giờ đàm phán căng thẳng đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Síp và giúp quốc đảo này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông Ishiguro nhận định hiện nay các nhà giao dịch trên thị trường đang hướng sự chú ý vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Sau khi chính thức nhậm chức hồi tuần trước, tân Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã lặp lại cam kết "dốc toàn lực", để chấm dứt tình trạng thiểu phát, vốn ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và đưa ra những chương trình nới lỏng tiền tệ.

Cùng đà đi lên, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 8,47 điểm (0,37%) lên 2.306,14 điểm. Tại Hong Kong, thị trường chứng khoán cũng được đẩy lên, theo đà tăng của chứng khoán Mỹ, trước số liệu cho thấy thị trường nhà đất được cải thiện. Đầu phiên, chỉ số Hang Seng tăng 192,70 điểm (0,86%) lên 22.503,78 điểm.