“Torquay (đội bóng hạng Tư) còn khó chơi hơn Arsenal” - lời mỉa mai của Thủ quân Bradford, Gary Jones rõ ràng khiến cho Wenger phải suy ngẫm, nếu “Giáo sư” còn có lòng tự trọng. Quả thực, chuyện Arsenal thảm bại trước đại diện League Two, Bradford và đối mặt với nguy cơ trắng tay thêm một năm nữa khiến Wenger không thể đổ lỗi cho lịch thi đấu dày đặc, cũng chẳng phải vì việc Arsenal chỉ chơi với đội hình 2. Nên nhớ, vẫn còn đó 8/11 cầu thủ ra sân ở trận thắng West Brom hôm thứ Bảy tuần trước nhưng với những trụ cột như Cazorla, Wojciech Szczesny, Vermaelen, Kieran Gibbs, Jack Wilshere, Lukas Podolski, Gervinho, đội bóng thành London đã chơi yếu cả về ý chí lẫn chuyên môn. Suốt 90 phút chính thức với Bradford, họ không tạo ra nhiều cơ hội rõ ràng dù Wenger lần lượt sử dụng 5 tiền đạo.
Thật nực cười là trong hoàn cảnh bị loại bởi một đội bóng chỉ có 7500 bảng chi phí chuyển nhượng và đứng dưới 64 bậc, Wenger lại nói rằng các cầu thủ của mình chẳng nên phải xấu hổ. Ngay cả HLV đối phương cũng phải ngạc nhiên về cái cách mà Arsenal nhận thất bại. Rốt cuộc thì Arsenal đã đánh mất một cơ hội để tìm danh hiệu đầu tiên sau nhiều năm khô hạn. Nếu Premier League là quá xa tầm với thì họ chỉ còn biết hy vọng vào Champions League và FA Cup trong năm tới. Nhưng trước mắt, thất bại ở Capital One Cup càng là cái cớ để các CĐV Arsenal bêu giếu Wenger cũng như ban lãnh đạo CLB về chính sách chuyển nhượng những năm qua.
Không ai phủ nhân Wenger đã đem đến cho đội bóng thành London 3 chức vô địch Premier League và 4 FA Cup, rồi tạo dựng nên tên tuổi của hàng loạt ngôi sao như Patrick Vieira, Thierry Henry, Emmanuel Adebayor, Samir Nasri, Cesc Fabregas và Robin van Persie... Phương pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng của ông cho đến lúc này vẫn được xem là chuẩn mực để nhiều đội bóng học hỏi. Triết lý bóng đá tấn công của Wenger đáng được ngợi khen, cũng như ngay cả cách chi tiêu của ông - dù phần nào đó là nguyên nhân dẫn đến sự bết bát của Arsenal về mặt thành tích trong 7 năm qua - vẫn được tôn trọng, nhất là vào thời buổi kinh tế khốn khó hiện nay. Nhưng bóng đá cũng như dòng đời, không bao giờ đúng yên mãi mãi. Đang có những thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của Wenger, hoặc ít nhất là nó không theo mong muốn chủ quan của ông. Vậy nên, đã đến lúc người ta phải xét lại về vai trò của Wenger?
Ngay sau thất bại trước Bradford ở Capital One Cup, trong khi HLV Wenger vẫn giữ thái độ bình thản thì trợ lý Steve Bould, người thay Pat Rice cuối giải trước lại mắng xối xả các cầu thủ Arsenal. Hành động ấy cho thấy có vẻ như Steve Bould đang lạm quyền ở sân Emirates. HLV Wenger nổi xung trước báo chí khi bị đề cập đến vấn đề này, nhưng điều đó cũng không che đi được thực tế vị thế của nhà cầm quân 63 tuổi người Pháp ở Arsenal đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Ở Emirates, Arsene Wenger là "một kẻ độc tài", như cách nói của Stewart Robson, cựu tiền vệ từng có 5 năm chơi bóng cho Arsenal (1981-1986). Theo Robson, Wenger luôn muốn kiểm soát mọi thứ và hiện tại cũng vậy. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi với "Giáo sư" người pháp khi ông đang mất dần quyền kiểm soát. Thay vì nghe lời Wenger, các cầu thủ Arsenal lại đang dành sự ủng hộ cho trợ lý Steve Bould, điều này càng làm cho những rạn nứt trở nên nghiêm trọng hơn. Wenger có cái tôi quá lớn và đừng hy vọng Bould có thể can thiệp được về chuyên môn. Song "Giáo sư" người Pháp liệu có nghĩ tới viễn cảnh mình sẽ phải khăn gói rời Emirates khi mà mọi thứ đều đang chống lại ông, từ thành tích sân cỏ cho đến niềm tin từ các học trò?