Ngày 8/12, trên sàn giao dịch điện tử Coinbase, đồng tiền số Bitcoin đã tiếp tục phá vỡ những kỷ lục mới khi lần đầu tiên tiếp cận ngưỡng 20.000 USD, trước khi lao dốc mạnh và mất 20% giá trị ngay sau đó.
Diễn biến mới này xảy ra ở thời điểm 3 ngày trước khi CBOE Global Markets, sàn giao dịch phái sinh hàng đầu của Mỹ chính thức tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai cho đồng Bitcoin.
Trước sự tăng giá chóng mặt của Bitcoin và kéo theo đó là sự gia tăng lượng truy cập, Coinbase, hiện được giới đầu tư đánh giá là một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đã gặp sự cố và phải tạm dừng hoạt động. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Trezor, một dịch vụ ví điện tử khi công ty này thông báo trên trang mạng xã hội Twitter rằng hệ thống server đang gặp trục trặc. Trong khi Bitfinex - sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cho biết trang web của họ đang liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DOS) trong nhiều ngày qua.
Trước đó, kể từ đầu tháng 12, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) xác nhận sẽ cho phép hai sàn giao dịch lớn là CME Group và CBOE Global Markets phát hành hợp đồng tương lai của Bitcoin. Hợp đồng tương lai sẽ buộc các bên phải đặt cọc một khoản tiền nhất định để mua bán sản phẩm, nhưng cấm không được phá vỡ hợp đồng. Các hợp đồng tương lai có thể được ký hôm nay, nhưng sau thời gian nhất định hàng hóa mới được trao với một mức giá mà 2 bên đã thỏa thuận ở thời điểm hiện tại.
Sự xuất hiện của CME và CBOE được cho là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tăng giá bất thường của Bitcoin, khi việc được niêm yết trên những sàn giao dịch truyền thống thông qua sự quản lý của CFTC sẽ phần nào giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư khi giao dịch Bitcoin trên những sàn giao dịch chưa được cấp phép.
Đáng chú ý, CFTC vẫn khẳng định, quyết định trên không có nghĩa cơ quan này xác nhận tính hợp pháp hay giá trị các sản phẩm tiền số. Trong khi Hiệp hội Giao dịch Hợp đồng tương lai (FIA), đại diện cho các ngân hàng và nhân viên môi giới phố Wall đã đặt dấu hỏi về khả năng giám sát của các cơ quan chức năng trước những gian lận có thể xảy ra trong hoạt động giao dịch Bitcoin. Đồng thời, tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại các sàn giao dịch truyền thống chưa có sự chuẩn bị cần thiết trước sự phát triển quá nhanh của thị trường mà Bitcoin tạo ra. Theo đó, chưa từng có loại sản phẩm nào được giao dịch lại tăng giá một cách khủng khiếp tới 16 lần kể từ đầu năm, qua đó đưa mức vốn hóa của Bitcoin đạt gần 300 tỷ USD.
Tuy nhiên ở phía ngược lại, việc CFTC cho phép Bitcoin lên sàn giao dịch dưới dạng hợp đồng tương lai được coi như động thái của cơ quan quản lý Mỹ muốn kiểm soát giá đồng tiền Bitcoin. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư và quản lý có đánh giá rõ hơn về xu hướng giá trị của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Hiện các nhà phân tích vẫn chưa thể đưa ra lý do cụ thể đằng sau sự biến động khó lường của Bitcoin, bởi, vấn đề cốt lõi hiện nay của đồng tiền này nằm ở niềm tin số đông các nhà đầu tư và khi niềm tin thay đổi có lẽ sẽ là thời điểm bong bóng Bitcoin phát nổ?