KTĐT - Chỉ tính trong năm 2009 Hà Nội có khoảng 7.000 xe được đưa vào hoạt động taxi, trong đó 4.000 xe là thay thế xe cũ, 3.000 xe được đưa vào hoạt động mới. Trên 12.000 xe taxi với sự góp mặt của 109 doanh nghiệp khiến hoạt động này trở nên cực kỳ sôi động. Nhưng sự bùng nổ taxi cũng kéo theo nhiều hệ luỵ khiến dư luận bức xúc, lo ngại nhất là trước dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
5 xe cũng thành...hãng
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Phòng Vận tải - Sở GT-VT Hà Nội ghi nhận sự phát triển bất thường của taxi Hà Nội bằng con số khá ấn tượng. Nếu như năm 2008 Hà Nội có 9.000 xe thì năm 2009 tăng vọt lên trên 12.000 xe. Tức là mỗi tháng Hà Nội có thêm gần 300 xe taxi được đưa vào hoạt động. Cộng với khoảng 4.000 xe được thay thế năm 2009 thì trung bình cứ 10 ô tô đăng ký mới tại Hà Nội có 2 xe hoạt động taxi.
Lý giải về sự tăng đột biến này, theo Sở GT-VT Hà Nội là do nhu cầu kinh doanh tăng mạnh, nhất là 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng. Kế đó là doanh nghiệp chạy thuế và phí. Vì rằng nếu đầu tư sớm một xe với giá 400 triệu đồng, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Bởi vậy, có doanh nghiệp đầu tư mới cả trăm xe.
Đáng lưu ý là quy mô của các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội khá bất thường. Trong khi khoảng 10 doanh nghiệp lớn chiếm 50% tổng số xe thì 100 doanh nghiệp còn lại chia nhau 50% số xe.
Cụ thể: Cty Mai Linh Đông Bắc Bộ có 800 xe; Mai Linh Đông Đô khoảng 700 xe; Taxi CP khoảng 700 xe; taxi Hà Nội khoảng 700 xe; Taxi Thanh Nga 500 xe; Taxi Phù Đổng trên 400 xe...
Bên cạnh đó nhiều hãng chỉ duy trì khoảng 20 xe như: Taxi Mùa Xuân (7 xe); Taxi Vạn Phúc (15 xe); Taxi Hoà Lạc (10 xe...). Có một số doanh nghiệp chỉ có 5 xe cũng hình thành hãng như: Taxi Hồng Hưng (5 xe); Huy Phương (5 xe)...
Theo bà Hương hiện nhiều doanh nghiệp lách luật bằng nhiều chiêu. Ví như bên cạnh hoạt động theo kiểu doanh nghiệp đầu tư xe rồi thuê lái, còn có loại hình doanh nghiệp thuê xe cá nhân để hoạt động taxi. Thêm nữa, nhiều cá nhân thuê thương hiệu của doanh nghiệp với giá trên dưới 1 triệu đồng/tháng để hoạt động taxi.
Cuối cùng là loại hình HTX taxi. Chỉ cần quyết định kết nạp xã viên và cam kết giữa xã viên với HTX là chủ xe được phép hoạt động. “Đây là loại hình khó quản lý nhất. Vì với loại giấy tờ đơn giản như vậy, một xe được mua đi, bán lại vẫn có thể hoạt động dưới vỏ bọc HTX. Cơ quan quản lý nhà nước không thể quản được chất lượng phương tiện, người lái, hay chất lượng dịch vụ”- bà Hương nhấn mạnh.