Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng bánh Trung thu như thế nào hợp lý ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa hết tháng 7 âm lịch, nhưng tại Hà Nội, thị trường bánh Trung thu khá sôi động, nhiều đại lý, cửa hàng đã tung ra đủ các chủng loại khác nhau.

Việc lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu thế nào để đảm bảo ATTP và dinh dưỡng không phải ai cũng biết.

Theo thống kê có khoảng trên 50 thương hiệu, hàng trăm chủng loại, ước tính sản lượng bánh Trung thu năm nay tăng 10 - 15% so với năm ngoái. Nhiều dòng sản phẩm, chủng loại và giá tiền bánh Trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, ngoài ra còn có chủng loại bánh sử dụng cho những đối tượng đặc biệt (như người tiểu đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp).

Về thành phần dinh dưỡng: Bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng, nếu sử dụng không hợp lý sẽ là nguy cơ cho sức khỏe đối với những người thừa cân, béo phì, gây rối loạn dung nạp glucose dẫn đến tiểu đường.
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Với trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong một chiếc bánh Trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong một bát phở bò, phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều, đồng thời khi chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, chỉ cho trẻ ăn một miếng (1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Bánh dẻo dễ dính vào răng gây sâu răng, khi trẻ ăn xong cần súc miệng ngay. Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn một nửa chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa đường huyết tăng nhanh. Nếu không giảm ăn thì cần đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa. Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát bệnh.

Về góc độ ATTP: Bánh Trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc)... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất ATTP. Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh, từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, cũng như vệ sinh và sức khỏe của người chế biến sẽ tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bánh Trung thu không bảo quản được lâu (tối đa 2 tháng sau khi xuất xưởng). Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định về ATTP, làm ra các sản phẩm bị ô nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Vì vậy, để bảo đảm ATTP bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản... Đặc biệt, sản phẩm có ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm khi mới xuất xưởng. Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc, mùi lạ khác thường. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.