Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt 20 năm tù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, nên tình hình buôn bán, sử...

Kinhtedothi - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, nên tình hình buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang dần được kiểm soát, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một bộ phận đối tượng “ém hàng” tìm cách qua mặt lực lượng chức năng - đó là tiết lộ của đại diện Cục C49 (Bộ Công an) tại hội thảo “Quản lý chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 25/4.

Chưa triệt để

Sau 6 – 7 tháng Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là Salbutamol đã có dấu hiệu giảm. Số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, nếu như trong tháng 1, đơn vị này lấy 1.000 mẫu, phát hiện 98 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất cấm (9,8%) thì đến tháng 2 tỷ lệ này giảm xuống còn 1,46%, tháng 3 là 0,66%. Trong tháng 4, lực lượng chức năng chỉ phát hiện một trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn tại tỉnh An Giang và tiến hành tiêu hủy lô lợn nhiễm Salbutamol đầu tiên.
Kiểm tra chất cấm tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai. 	Ảnh:  Quang Thiện
Kiểm tra chất cấm tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai. Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, câu chuyện quản lý chất cấm trong chăn nuôi đã có chuyển biến căn bản, trước tiên là kiểm soát được nguồn cung cấp Salbutamol. Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol. Hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Tuy đã có chuyển biến, song nhiều cơ quan chức năng vẫn lên tiếng lo ngại về nguy cơ tái diễn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bởi thực tế, nguồn chất cấm được đưa vào Việt Nam qua con đường nhập lậu vẫn chưa kiểm soát được. Đại diện Cục C49 (Bộ Công an) cho biết, qua theo dõi thực tế còn rơi rớt trường hợp thương lái, chủ trang trại mua Salbutamol về đã thử gọi điện đến đường dây nóng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công an để xem phản ứng của lực lượng chức năng có kịp thời không. “Nếu lực lượng chức năng không đến kịp thì họ sẽ tiếp tục sử dụng” – vị này cho hay.

Một đại diện khác của Cục Chăn nuôi thẳng thắn cho biết, công tác tổ chức triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, mới tập trung mạnh ở các cơ quan T.Ư và một số địa phương trọng điểm. Không ít địa phương chỉ làm mang tính hình thức, đối phó theo kiểu phong trào.

Cần biện pháp mạnh
Sử dụng chất cấm không còn là vấn đề báo động nữa mà ở mức trên báo động.

Ông Nguyễn Mạnh HùngChủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam

Đã tròn 10 năm kể từ ngày việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được phát giác, song thời gian qua tình hình càng trở nên nghiêm trọng khiến cho nhiều người băn khoăn về hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Đứng ở góc độ người tiêu dùng (NTD), ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam trăn trở, trước đây người chăn nuôi đã từng “ngấm đòn”, phá sản vì chất cấm nhưng sao nay vẫn sử dụng? Theo ông Hùng, hệ thống pháp luật của chúng ta đã có đủ nhưng do suốt một thời gian dài không xử lý nghiêm nên việc sử dụng chất cấm vẫn tái diễn dai dẳng, từng bước tàn phá nền chăn nuôi và hủy hoại niềm tin của NTD.

Một khi NTD bị đẩy vào chân tường sẽ có phản ứng tự vệ, chuyển sang dùng các thực phẩm khác thay thế thì thiệt hại của ngành chăn nuôi còn lớn hơn. Bởi vậy, bài học đắt giá để giải quyết triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chính là phải có biện pháp quản lý mạnh. Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 tới đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp các ngành chức năng phong tỏa vi phạm liên quan tới hành vi sử dụng chất cấm. Theo một số đại biểu, chỉ còn hai tháng nữa luật sẽ có hiệu lực nên cần sớm triển khai tập huấn, thống nhất biện pháp xử lý theo luật mới, trước hết là cho những người làm công tác thanh tra và các địa phương để không bị lúng túng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chỉ ra cho NTD đâu là thực phẩm an toàn, chứ không để người dân hoang mang vì lạc vào “mê cung” thực phẩm như hiện nay. Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục đang chỉ đạo xây dựng nhiều chuỗi lớn cung cấp lượng thực phẩm cho xã hội. Trong đó xác định lộ trình để hướng dẫn đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm thịt, trứng, sữa, tạo điều kiện cho NTD biết được sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.