Những chất cấm tạo nạc, tăng trọng chứa nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe con người, liệu hành vi này có bị xử lý hình sự?
Vi phạm liên tiếp bị phanh phui
Mới đây, ngày 8/12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT bắt quả tang các đối tượng tại TP Hồ Chí Minh buôn bán chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng). Những đối tượng bị bắt quả tang gồm: Trần Văn Bùi (39 tuổi, quê Sóc Trăng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Seabird, trụ sở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Công Đài (40 tuổi, quê Quảng Nam). Đây là đường dây buôn bán chất cấm có quy mô lớn, được tổ chức, hoạt động bí mật, tinh vi.
Theo đó, khoảng 11 giờ cùng ngày, C49 bắt quả tang Võ Văn Thanh đang nhận nhiều gói chất cấm salbutamol từ Công ty Seabird. Tiếp tục truy xét, lực lượng chức năng bắt Trần Công Đài trên đường Cống Lở (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) khi đang nhận 0,5kg chất tạo nạc. Đài thừa nhận đã mua chất tạo nạc của ông Bùi. Kiểm tra tại Công ty Seabird, lực lượng chức năng phát hiện 17 loại hóa chất đựng trong nhiều thùng phuy, chai lọ, bao bì. Có hàng ngàn bao bì các loại, trong đó một số bao ghi “giúp siêu tăng trọng, lớn nhanh”, “kích thích tôm lột xác”. Đồng thời, lực lượng chức năng đã phát hiện một thùng phuy màu xanh ghi dòng chữ “salbutamol sulphate bp2010”, nhập khẩu từ Ấn Độ. Trong thùng phuy còn chứa 17,5kg salbutamol nguyên chất 98%.
Theo cán bộ điều tra, salbutamol nguyên chất được phân phối cho các công ty sản xuất thức ăn, trang trại hoặc hộ chăn nuôi. Salbutamol được pha chế trộn vào thức ăn, với tỷ lệ 1kg salbutamol pha được 10 tấn thức ăn. Lợn hoặc một số động vật khác ăn chất này, tùy hàm lượng sẽ lớn nhanh như thổi, đặc biệt thịt nhiều nạc.
Trước đó, C49 và Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện hàng chục DN có hành vi trộn chất cấm, chất tạo nạc, chất vàng ô vào thức ăn chăn nuôi. Ngày 10/11, C49 cho biết, đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Phú Thọ. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát môi trường và liên ngành đã phát hiện Lê Xuân Mão (trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đang vận chuyển 6 túi thức ăn chăn nuôi, nhãn hiệu Pork do nước ngoài sản xuất. Mão khai nhận, mua số thức ăn trên tại địa bàn tỉnh Hưng Yên mang về bán cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ).
Ngày 19/8, C49 phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) và Thanh tra Bộ NN&PTNT đã bắt quả tang Công ty TNHH Sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất. Cơ sở này đã qua mắt lực lượng chức năng bằng cách sử dụng nhà ở để làm cơ sở sản xuất các mặt hàng thuốc thú y. Ở bên ngoài chỉ treo bảng công ty, tường rào cao, che chắn kín. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này không có giấy phép sản xuất thuốc thú y do Bộ NN&PTNT cấp. Theo giấy phép, công ty này hoạt động từ năm 2013, từ đó đến nay chưa được cơ quan quản lý trên địa bàn thanh, kiểm tra.
Hồi đầu tháng 12, Bộ Y tế cũng đã phát hiện Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông nhập khẩu nguyên liệu salbutamol nhiều hơn số lượng cho phép tới 200kg và bán salbutamol cho đơn vị, cá nhân không được phép. Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu các DN không nhập khẩu salbutamol và chất vàng ô, vì đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi để tạo nạc.
Có thể chuyển xử lý hình sự
Theo ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc xử lý vi phạm VSATTP hiện nay chưa đủ tính răn đe. Với một số vi phạm nghiêm trọng, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị để có thể đưa ra xử lý hình sự.
Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quy định về xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, đây là hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh; trong khi, chất tạo nạc có chứa chất cấm trong chăn nuôi chưa được liệt kê ở danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tại Văn bản hợp nhất 19/2014 của Bộ Công Thương. Việc cấu thành tội phạm này đòi hỏi thêm các dấu hiệu khác như có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc từng bị xử phạt hành chính về hành vi này, từng bị kết án chưa được xóa án tích về tội này. Chưa kể, tội này chỉ điều chỉnh các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Nếu vận dụng được, cũng chỉ áp dụng với người buôn bán chất tạo nạc chứ không thể áp dụng được với người sử dụng chất tạo nạc để chăn nuôi. Ngoài ra, Điều 244 Bộ luật Hình sự có quy định về hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự, đòi hỏi các hành vi trên phải gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của nạn nhân. Hoặc người vi phạm từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích. Trong khi đó, tác hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe của người tiêu dùng không diễn ra ngay mà trải qua quá trình lâu dài; vì vậy không thể chứng minh được thiệt hại ngay để xử hình sự.
Mới đây, ngày 10/12, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Theo đó, Chính phủ nhận định, việc sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Chính phủ cũng chỉ đạo các ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an tăng cường kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự…
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Võ Hồng
|
Khi con người ăn thịt chứa các chất tạo nạc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể tích lũy trong cơ thể gây hậu quả kéo dài hoặc gây nhiều triệu chứng xấu tới sức khỏe như huyết áp, tim mạch, có thể gây ung thư. Một số nghiên cứu cảnh báo, nó có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia (Bộ Y tế)
|