Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng dịch vụ Thừa phát lại giúp giảm thiểu tối đa rủi ro về tài chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay có rất nhiều người dân có nhu cầu lập vi bằng để bảo vệ quyền lợi bản thân, do đó thừa phát lại đang phát huy vai trò trong đời sống pháp lý của người dân khi giúp họ thực hiện công việc này.

Trên đây là ý kiến của ông Lê Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ I, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đưa ra tại Hội nghị phổ biến các văn bản của Trung ương và TP Hà Nội về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP tại quận Hoàn Kiếm chiều 31/7.

Trong 4 công việc mà Thừa phát lại thực hiện là tống đạt văn bản; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thi hành án thì lập vi bằng là công việc mà Thừa phát lại có điều kiện thực hiện một cách nhanh và triệt để nhất. Đây là một công việc mới chưa có bất kỳ một cơ quan nào thực hiện, giờ đây dịch vụ Thừa phát lại được làm. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập theo yêu cầu của khách hàng ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến một cách khách quan, trung thực.
 
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng- Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Hoàn Kiếm, trong thực tế cuộc sống có rất nhiều giao dịch dân sự diễn ra giữa các tổ chức, cá nhân, đoàn thể… trên mọi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư, xây dựng… Hầu hết các dịch vụ này đều tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp về tài chính, tài sản… Sử dụng dịch vụ Thừa phát lại là một cách hiệu quả nhất giúp người dân giảm thiểu tối đa rủi ro về tài chính trong các giao dịch sự, nhất là tại địa bàn quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung mật độ dân cư cao và hoạt động thương mại là chủ yếu, những tranh chấp dân sự xảy ra rất nhiều, do vậy người dân lại càng nên chú ý đến dịch vụ Thừa phát lại.

Tại hội nghị, ông Đinh Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc quận có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với văn phòng Thừa phát lại để thực hiện tốt chức năng của văn phòng. Lãnh đạo các phường quan tâm tuyên truyền về thừa phát lại đến từng người dân, doanh nghiệp. Tạo điều kiện, phối hợp khi có yêu cầu của văn phòng Thừa phát lại thực hiện công việc.