Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng hiệu quả tài nguyên

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm sao để tránh được tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trong khi những người có nhu cầu sử dụng đất lại không có đất để sản xuất, gây lãng phí nguồn lực. Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến khi bàn thảo về dự thảo Nghị quyết tiếp tục kéo dài việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm.

Việc kéo dài miễn thuế đất nông nghiệp thêm 5 năm nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội, bởi nếu được thông qua sẽ giúp nông dân cả nước không phải đóng khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây được xem sự là hỗ trợ rất thiết thực và cần thiết cho nông dân trong giai đoạn này. Đồng thời, trong khi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn khiêm tốn, quy mô đầu tư còn hạn chế, chính sách này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhìn từ thực tế vừa qua, tình trạng bỏ đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Vấn đề này cũng liên tục được cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc với ĐB Quốc hội. Nguyên nhân có nhiều, từ thời tiết, dịch bệnh đến đầu vào thì tăng, đầu ra bấp bênh nên người nông dân không yên tâm sản xuất, bỏ ruộng… Thậm chí, có những cánh đồng rộng hàng trăm héc ta cũng bị bỏ không cho cỏ mọc, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định, vẫn có nguyên nhân từ việc đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng.
Bởi vì đất sử dụng không phải nộp thuế nên cũng có một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, bỏ không đất đai. Đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng, có những người nhận đất, dù không sử dụng thì họ vẫn cứ nhận càng nhiều càng tốt và để đấy. Trong khi đó, những người có nhu cầu sử dụng đất lại không có đất để sản xuất. Chưa kể, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các dự án đầu tư đối với đền bù theo thỏa thuận.
Vì thế, cùng với việc thực hiện miễn thuế trong thời điểm trước mắt, việc quản lý đất nông nghiệp chặt chẽ, có sổ sách ghi chép, theo dõi hàng năm những cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất cũng đã được đặt ra. Đồng thời, phải có đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, không nên tràn lan, làm sao chính sách này tác động tích cực để khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí đất đai. Những ai để đất đai hoang hóa thì không thuộc đối tượng miễn thuế.
Trong khi nông nghiệp vẫn là một ngành trọng điểm, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, là “cứu cánh” cho nền kinh tế vào những lúc khó khăn nhất. Như nhìn từ thời điểm dịch Covid-19 vừa rồi, trong khi công nghiệp, dịch vụ bị đình trệ, nông nghiệp vẫn sản xuất, là nơi tạo việc làm cho nhiều người lao động. Bởi vậy, cần nhận diện tốt vấn đề đất nông nghiệp bị bỏ lãng phí để tìm ra các giải pháp hiệu quả. Không chỉ dừng ở việc miễn, giảm thuế, đã đến lúc cần nhận diện đúng thực trạng của vấn đề lãng phí nguồn tài nguyên đất ở khu vực này để có được những chính sách đột phá về tích tụ ruộng đất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần tạo năng suất và thu nhập cao hơn cho người dân cũng như tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.