Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng mã QR code cho trái cây: Lợi cả đôi đường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội triển khai vận hành “Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến” đã và đang từng bước làm minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, giúp người tiêu dùng Thủ đô dễ dàng tiếp cận với nông sản, thực phẩm an toàn.

Người tiêu dùng Thủ đô chọn mua sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại siêu thị Hapro. Ảnh: Ánh Ngọc
Rõ lợi ích
Thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) xây dựng, triển khai, vận hành “Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến” tại một số cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi.
Hệ thống triển khai thí điểm đầu tiên đối với 82ha “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Do quản lý tốt bằng tem truy xuất có xác thực nên dịp Tết Nguyên đán 2018, sản phẩm bưởi của Đan Phượng không bị trà trộn với các sản phẩm khác, giá bán tăng lên 10.000 đồng/quả.

Năm 2018 là năm đầu tiên huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) ứng dụng dán mã QR code vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với vải thiều. Nhờ đó mà nhiều HTX sản xuất vải của Thanh Hà đã được kết nối trực tiếp với khách hàng tại các TP lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khách hàng từ nhiều tỉnh, thành đã hoàn toàn yên tâm đặt mua vải Thanh Hà qua internet nhờ các thông tin hiển thị trên tem truy xuất và thông tin công khai trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc trực tuyến của UBND TP Hà Nội.
“Mặc dù, sản lượng vải thiều năm 2018 cao nhất từ trước đến nay với trên 40.000 tấn nhưng tiêu thụ cơ bản thuận lợi. Chỉ tính riêng tháng 6/2018, Thanh Hà đã cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 1.000 tấn vải thiều chính hãng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Trịnh Văn Thiện cho hay.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3.000 sản phẩm của 115 cơ sở sản xuất kinh doanh theo chuỗi, đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP đã tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code. Bên cạnh việc lưu giữ thông tin sản phẩm, hàng hóa của DN, trang trại nông sản trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương, hệ thống sử dụng mã QR code đã bắt đầu triển khai ở hệ thống siêu thị Fivimart và Công ty Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam.

Tuyên truyền đi đôi với kiểm tra

Theo Giám đốc IDE Phạm Thị Lý, để phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động DN tham gia, cập nhật thông tin về sản phẩm hàng hóa lên hệ thống, cấp mã truy xuất cho sản phẩm và DN. Theo đó, từ tháng 4 đến hết năm 2018, IDE phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội tổ chức lớp tập huấn cho các đối tượng tham gia hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.

Để đề án tiếp tục được nhân rộng, việc đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu được tem, nhãn, logo trái cây là thương hiệu, yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng ATTP trái cây tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đang đẩy mạnh rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP với các cơ sở kinh doanh trái cây theo phân cấp quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, trong đó trọng tâm là thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương khuyến khích người tiêu dùng ứng dụng mã hình QR code để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp tục triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” để quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây lưu thông trên địa bàn TP.