Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT phải triển khai dịch vụ xét tuyển trực tuyến vào đầu cấp học, sử dụng mạng xã hội (như facebook) và blog trong các hoạt động nghiệp vụ giáo dục.
Tất cả công việc liên quan đến công tác tuyển sinh đầu cấp như: việc cung cấp hồ sơ, đơn xin xét tuyển, đăng ký hồ sơ, trả kết quả xét tuyển... đều thực hiện trên cổng thông tin điện tử hay website.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải ứng dụng sổ, sách điện tử thay vì in ấn để cắt giảm chi phí. Các Sở GD&ĐT bước đầu xây dựng mô hình giáo dục điện tử (e-school), trường học điện tử (e-school) - mô hình với các cấu phần chủ yếu dựa trên công nghệ trực tuyến Internet: như ứng dụng e-Learning, sách điện tử, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng... để bài học hấp dẫn hơn. Khai thác các phần mềm văn phòng nguồn mở vào các hoạt động nói trên. Tập huấn sử dụng phần mềm nguồn mở NukeViet.
Đầu tư trang thiết bị gồm webcam, USB camera, máy tính, đường truyền cáp quang nối Internet. Đây là hệ thống đào tạo, tập huấn và họp qua web (web conference). Không đầu tư theo mô hình video conference.
Cục Công nghệ thông tin sẽ cấp phòng họp ảo miễn phí cho các sở, phòng giáo dục để triển khai họp trực tuyến, tập huấn và bồi dưỡng trên hệ thống http://hop.edu.net.vn. Cục này cũng cung cấp miễn phí cho các hoạt động: Đào tạo từ xa qua mạng; đào tạo, tập huấn giáo viên thường xuyên; hội thảo, họp giao ban, họp phổ biến công tác; dự giờ giáo viên; tạo lớp học ảo e-Learning.
Trong công tác tuyển dụng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cần kiểm tra kiến thức và kỹ năng tối thiểu về CNTT bằng khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế; không áp dụng theo hình thức kiểm tra việc có hay không có chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C.
Tiếp tục triển khai cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng e-Learning” do Bộ GDĐT và Quỹ Laurence S.Ting tổ chức; Tổ chức cho giáo viên tạo sách giáo khoa điện tử e-textbook qua các phần mềm tạo sách điện tử với công cụ ebook creator; Tiếp tục triển khai công nghệ e-Learning để tạo bài giảng với các công cụ đơn giản dễ dùng như Adobe Presenter, i-Spring và Articulate; Khai thác hệ thống quản lý học tập, nguồn mở Moodle;
Để phục vụ công tác quản lý và điều hành hoạt động giáo dục, mỗi trường cần trang bị ít nhất 2 máy tính, một máy in và một webcam. Mỗi tổ bộ môn trong trường có máy tính dùng riêng. Sở GDĐT, phòng GDĐT phải làm chủ, sở hữu cơ sở dữ liệu giáo dục phục vụ cho công tác quản lý giáo dục. Không để các công ty sở hữu và khai thác tài sản dữ liệu giáo dục vào mục đích kinh doanh.
Để phục vụ việc giảng dạy môn Tin học và ứng dụng CNTT trong quản lý, trong dạy và học các môn học khác, các trường trung học phổ thông cần trang bị máy tính nối mạng nội bộ và nối Internet, khuyến khích đảm bảo tỷ lệ trong toàn trường là số học sinh/máy tính bằng hoặc nhỏ hơn 20.
Đặc biệt, Bộ cũng gợi ý các trường sử dụng mạng xã hội (như facebook) và blog trong các hoạt động nghiệp vụ giáo dục như diễn đàn chuyên môn giáo dục (theo môn học), nhóm lớp học (giáo viên và học sinh)…