Nhưng loại máy này cần một người đo huyết áp cho mình, mà phải được hướng dẫn bài bản mới có thể đưa ra kết quả chính xác. Bên cạnh đó, máy đo huyết áp cơ phụ thuộc vào ngưỡng nghe của người đo. Trong khi đó, mắc các bệnh lý về tim mạch phần nhiều là người cao tuổi, khả năng nghe không tốt nên rất dễ cho các kết quả sai lệch.
Với máy đo huyết áp tự động, người bệnh có thể tự đo được huyết áp cho mình. Tuy nhiên, máy đo huyết áp tự động đắt hơn máy cơ. Sử dụng máy đo huyết áp tự động cần theo dõi thời gian pin chạy.
Khi thấy máy trục trặc, nên mang đến cơ sở bảo hành chỉnh sửa. Sau một năm nên đem máy đến bệnh viện, nơi mình chăm sóc sức khỏe để đối chiếu chỉ số với máy của bệnh viện. Đồng thời, nhờ bác sĩ tư vấn có nên sử dụng tiếp máy đo huyết áp đó nữa không khi có chỉ số sai lệch.
Khi đo huyết áp, người bệnh có thể ngồi hoặc nằm, vị trí đặt tay ở mức ngang tim. Giơ cao tay quá tim hay đặt xuôi tay sẽ làm sai lệch kết quả. Trước khi đo, cần được nghỉ ngơi, tốt nhất nên đo vào buổi sáng khi ngủ dậy, khi mà cơ thể chưa có vận động thể lực quá nhiều.
Nên đo huyết áp vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ, đồng thời ghi chỉ số huyết áp mỗi lần đo vào một quyển sổ để theo dõi. Nên đo huyết áp vào một giờ cố định trong ngày để có chỉ số so sánh, đối chiếu chính xác. Khi đo huyết áp người bệnh cũng cần có tâm lý thoải mái, không uống nước chè, cà phê hay các loại thực phẩm có chất kích thích…
Vì những điều này sẽ làm cho huyết áp tăng lên một cách giả tạo, làm chỉ số huyết áp không đúng. Bệnh nhân nên đo huyết áp 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút và lấy chỉ số trung bình của 3 lần đo để ra được chỉ số huyết áp chính xác của mình.