Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng túi nylon: Vấn nạn ô nhiễm trắng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 5/12, tại Đài Truyền hình Hà Nội đã diễn ra tọa đàm hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường với chủ đề "Vấn nạn ô nhiễm trắng", với sự tham dự của lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội.

Thảm họa môi trường

Năm 1937, khi vật liệu nylon ra đời, thế giới đã đón nhận nó như một phát kiến vĩ đại, bởi thuộc tính không thấm nước và bền vững trong tự nhiên, giá thành rẻ cũng như khả năng ứng dụng phong phú và đa dạng trong sản xuất và đời sống. Song, từ những năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay, sự lạm dụng nylon trong đời sống và sinh hoạt đã tạo nên một thảm họa mới cho con người, bởi chính những thuộc tính của nylon, giá thành rẻ, không thấm nước và bền vững. Nylon đã trở thành con dao hai lưỡi, sự lạm dụng nylon đã gây ra một thảm họa môi trường trong đời sống hiện nay và trong tương lai lâu dài. "Ô nhiễm trắng" - đó là cái tên mà nhân loại đã đặt cho thảm họa nylon trong sự phát triển hiện đại ngày nay, một thảm họa chính con người đang tự gây nên cho chính bản thân mình và đồng loại từng ngày, từng giờ. Chiếc túi nylon tuy nhỏ bé nhưng lại có tác hại khôn lường.

Sử dụng túi nylon: Vấn nạn ô nhiễm trắng - Ảnh 1
Nguy cơ "ô nhiễm trắng" từ việc sử dụng túi nylon - Ảnh: Đức Trần

Theo thống kê, tại Việt Nam, trong một năm số lượng túi nylon trải ra trên bề mặt cả nước khoảng 9,1 chiếc/m2. Hiện nay, trung bình một ngày, người dân Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường, trong đó mỗi ngày người dân TP HCM thải ra môi trường khoảng 60 tấn túi nylon đã qua sử dụng. Còn tại Hà Nội, khảo sát năm 2008 cho thấy, khoảng 800.000 hộ gia đình sinh sống ở các quận nội thành thải ra khoảng 9 triệu túi nylon một ngày; 3.240 tỷ túi nylon và lãng phí khoảng 648 tỷ đồng mỗi năm. Đến thời điểm này, con số đó có lẽ còn cao hơn nhiều.

Sự chung tay của cả cộng đồng

Nhằm tuyên chiến với nguy cơ “ô nhiễm trắng”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường". Ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, đây là năm thứ 4, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội - Sở TN&MT Hà Nội triển khai chương trình với chủ đề "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường" trên địa bàn Thủ đô. Mục tiêu của chương trình là tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi nylon; khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị mở rộng chương trình hạn chế túi nylon.

Với chương trình này, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội - Sở TN&MT Hà Nội mong muốn tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tác hại của túi nylon, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống. Thay vì sử dụng túi nylon, chúng ta nên sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, hướng tới không sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế hiện nay, Hà Nội chưa thể cấm được việc này, mà chỉ vận động tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nylon, nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tác hại của túi nylon và trách nhiệm của mỗi người với môi trường.

Để hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon, Hà Nội và các địa phương đã cùng làm việc với các Bộ ngành, đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội, đưa ra chế tài đánh thuế môi trường đối với túi nylon. Nguồn thu ngân sách đó được sử dụng để phục vụ lại môi trường. Hà Nội khuyến khích, kêu gọi các chủ đầu tư, doanh nghiệp có tâm huyết với môi trường, có năng lực về tài chính, năng lực về lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường, tham gia sản xuất túi thân thiện với môi trường. Đây cũng là khẳng định quyết tâm của TP đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp trên trường quốc tế và khu vực. Đồng thời, đưa Hà Nội trở thành TP tiên phong trong phong trào hạn chế sử dụng túi nylon vì sự nghiệp bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nguy cơ về thảm họa ô nhiễm trắng đã rõ ràng, song để đẩy lùi thảm họa đó, những chính sách của Nhà nước, sự vận động tuyên truyền thôi chưa đủ. Sự chung tay và ý thức chung của cả cộng đồng mới chính là yếu tố quyết định để tạo nên một môi trường sạch hơn, bền vững hơn trong tương lai.