Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện công nghệ tuần: Facebook phối hợp với Việt Nam xử lý thông tin xấu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Facebook cam kết ngăn chặn thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín người khác, đại lý bán sim kích hoạt sẵn sẽ bị xử phạt tới 30 triệu đồng ... là điểm nhấn công nghệ tuần qua.

Thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín người khác sẽ không có chỗ trên Facebook
 
Chiều 26/4, tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao Facebook do bà Monika Bickert - Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu của Facebook làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện Facebook bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Bộ TT&TT nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung nhằm tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Hai bên đã trao đổi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, để phía đại diện Facebook hiểu rõ hơn về chính sách và mối quan tâm của của cả hai bên.
Bà Monika Bickert khẳng định: “Để hoạt động hiệu quả, chắc chắn Facebook cũng phải đảm bảo môi trường hoạt động lành mạnh và Facebook phải có những chính sách để người sử dụng được đảm bảo và có trách nhiệm trong việc sử dụng dịch vụ mạng Facebook”.
Bà Monika Bickert cũng cam kết: “Tất cả các nội dung lạm dụng tình dục, tấn công thù địch, những thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín người khác… sẽ không có chỗ dung thân và chúng tôi cam kết gỡ bỏ những thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội Facebook; cùng phối hợp xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn ở Việt Nam.
Để đảm bảo điều đó, Facebook có những công cụ để người sử dụng thông báo và phối hợp để xử lý. Facebook và Bộ TT&TT Việt Nam sẽ cùng lắng nghe, chia sẻ và phối hợp gỡ bỏ những thông tin độc hại, bôi nhọ danh dự cá nhân, tổ chức trong thời gian tới".
Phạt tới 30 triệu đồng nếu bán SIM đã kích hoạt
 
Đây là một trong những nội dung Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013.
Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông di động đã cung cấp dịch vụ cho chủ thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đối với doanh nghiệp viễn thông di động chấp nhận giấy tờ không đúng quy định.
Đối với hành vi: Bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; bán, lưu thông trên thị trường thiết bị đầu cuối không dùng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao; không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc đăng tải danh sách không đầy đủ thông tin theo quy định bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Cứ 5 TV LED của Samsung, 1 chiếc sản xuất tại TP. HCM
 
Nhà máy SEHC sản xuất ra dòng TV QLED, đồng thời năng lực sản xuất chiếm 19% trong tổng số các nhà máy Samsung trên toàn cầu xét về dòng TV LED, tức cứ 5 TV LED do Samsung sản xuất ra trên toàn cầu thì nhà máy này đóng góp 1 chiếc. Nhà máy đảm nhận việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV…, các sản phẩm điện gia dụng như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt,… với năng suất trung bình 1,1 triệu sản phẩm/tháng.
Bên cạnh cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, ở lĩnh vực nghe nhìn SEHC xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia (châu Âu, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ). Riêng lĩnh vực diện gia dụng, nhà máy xuất đi hơn 40 quốc gia (Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Đông Nam Á).
Các sản phẩm của ngành điện tử Samsung đều tuân thủ theo Chứng nhận thân thiện môi trường (RoHS) và được kiểm tra xác nhận khi phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng loạt.
Người Việt dùng smartphone chủ yếu để vào mạng xã hội
 
“Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017” do Công ty Appota vừa công bố cho thấy, Việt Nam có 38 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 94% sử dụng mobile để vào mạng xã hội hàng ngày.
Theo thống kê của báo cáo này, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối với internet. Số lượng thuê bao di động đã đạt tới 131,9 triệu.
Một con số đáng chú ý là bản báo cáo của Appota cho thấy số người chỉ sử dụng mobile để truy cập Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ở độ tuổi từ 18-34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, người sử dụng Internet bằng mobile tại Việt Nam dành nhiều thời gian cho việc vào mạng xã hội (94%), nhắn tin (91%), tìm kiếm thông tin (87%), truyền thông và giải trí (73%), âm nhạc (72%), game (67%), đọc tin tức và thời tiết (65%). Trong khi đó, các hoạt động chiếm thời lượng thấp là mua sắm và thương mại điện tử (43%), du lịch (42%) và đọc sách, truyện (39%).