Mất 500 triệu đồng vì truy cập web lạ Mới đây, theo phản ánh của chị Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội), trong quãng thời gian từ ngày 3/8/2016 đến 4/8/2016, tài khoản ngân hàng Vietcombank của mình đã bị trừ tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng. Theo đó, số tiền trên đã được chuyển qua tài khoản khác bằng internet banking. Về phía Vietcombank, mới đây ngân hàng này đã đưa ra thông cáo báo chí đầu tiên về trường hợp của chị Hương. Theo đó, Vietcombank đã có cơ sở để xác định vào ngày 28/7/2016 chị Hương đã truy cập vào một trang web giả mạo qua máy điện thoại cá nhân.
Trang web này có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của chị Hương đã bị đánh cắp và được sử dụng vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/8/2016. Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank. Tới ngày 8/8 vừa qua, chị Hương đã được Viecombank chuyển lại vào tài khoản số tiền 300 triệu đồng. Và tới hiện tại, số tiền 200 triệu đồng còn lại chị Hương vẫn chưa nhận được. Viecombank đã yêu cầu các cơ quan điều tra cùng vào cuộc để kiểm tra trường hợp của chị Hương. Vì thuế "khủng", 9 doanh nghiệp truyền hình kêu cứu lên Thủ tướng Tuần qua 9 DN nhập khẩu và kinh doanh thiết bị truyền hình kỹ thuật số đã cùng ký vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu thiết bị thu truyền hình số.
Nhóm này gồm: VTVcab, VTVBroadcom, Đông Dương, LTP Việt Nam, Vũ Hồng Minh, DTS, Tân Nguyên An, Pama, Quang Linh. Theo đó, các DN cho rằng, từ trước đến nay mặt hàng đầu thu truyền hình kỹ thuật số (set top box) được đưa về Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế nhập khẩu 0%. Nhưng đến ngày 7/4/2016, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn bổ sung tiêu chí cho mặt hàng này, làm thuế nhập khẩu đang từ 0% thay đổi lên tới 35%. Ngoài ra các DN còn bị truy thu thuế nhập khẩu cho các lô hàng nhập từ 5 năm trở lại đây với mức thuế 35%. Việc này sẽ khiến hàng loạt DN buộc phải phá sản. Hơn nữa phá vỡ kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ. Các DN khẩn cầu kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo để tạo điều kiện cho các DN có thể tồn tại và tiếp tục kinh doanh ổn định, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cũng như trách nhiệm với Đề án số hóa truyền hình. Pokémon Go mang lại nhiều hệ lụy khó lường Chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào hôm 6/8 vừa qua, Pokémon Go đã ngay lập tức trở thành hiện tượng với lượng người chơi đông đảo, từ người trẻ cho tới dân văn phòng, thậm chí là cả người đứng tuổi. Những ngày này, từ sáng đến tối, có thể gặp ở nhiều nơi cảnh tượng một người lăm lăm cầm điện thoại trên tay và dán mắt vào màn hình nhằm truy cập trò chơi tương tác ảo nói trên.
Với việc chìm đắm vào Pokémon Go đang là tâm lý chung của nhiều người tham gia trò chơi tương tác ảo này. Tình trạng như vậy cũng kéo theo nhiều hệ lụy như làm tăng khả năng xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông, tạo điều kiện cho cướp giật điện thoại hay thậm chí là tốn thời gian vô ích vào một trò chơi gần như không đem lại hiệu quả về kinh tế hay kiến thức. Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an Hà Nội, chỉ riêng trong ngày 9/8, đội CSGT tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm đã xử phạt gần 20 trường hợp với 2 lỗi dừng đỗ sai quy định và sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Phần lớn những trường hợp vi phạm này đều có lý do là đang chơi Pokémon Go. Không những vậy, đáng báo động hơn khi trên thế giới đã ghi nhận một vài trường hợp tử vong vì chơi Pokémon Go. Có thể kể đến như 2 nạn nhân 17 tuổi người Guatemala đã bị một nhóm tội phạm bắn chết khi đang trên đường đi săn pokemon hôm 20/7 vừa qua. Hay mới đây nhất vào hôm 8/8, một nạn nhân tại San Francisco (Mỹ) cũng bị bắn chết trong lúc chơi trò chơi này. Ngắt sóng truyền hình analog từ 24h ngày 15/8/2016 tại 4 thành phố lớn Trong tuần qua, tại phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã quyết định chính thức thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh từ 24h ngày 15/8/2016.
Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ phải hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên khi triển khai thực tế Đề án số hóa, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã nhận thấy một số khó khăn phát sinh ở cả phần phát truyền hình số mặt đất và phần hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định nên mốc thời gian trên đã được lùi lại. Hiện tại, trên cả nước mới chỉ có Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 1/11/2015.
Ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking |
Ảnh minh họa |
Rất dễ gặp người chơi Pokemon Go trên đường phố Hà Nội |
Ảnh minh họa |